5 di sản thế giới không thể bỏ qua khi khám phá miền Nam Ấn Độ
5 di sản thế giới không thể bỏ qua khi khám phá miền Nam Ấn Độ
Miền Nam Ấn Độ được xem là kho tàng văn hóa, lịch sử và kiến trúc, nhiều di tích nơi đây đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới.
Những di tích này mở ra hành trình khám phá lịch sử phong phú, phản ánh nghệ thuật, sự tinh xảo và tay nghề đáng kinh ngạc của người dân địa phương, khiến du khách từ khắp nơi trên thế giới ngỡ ngàng. Đây không chỉ là minh chứng sống động cho quá khứ huy hoàng, mà còn góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Ấn Độ đến với thế hệ mai sau.
Quần thể di tích Hampi, bang Karnataka
Khu di tích Hampi, kinh đô cũ của đế chế Vijayanagara, tọa lạc bang Karnataka miền Nam Ấn Độ, bên dòng sông Tungabhadra. Hampi cũng từng là trung tâm thương mại, văn hóa và tôn giáo trong thời kỳ đỉnh cao thế kỷ XIV, được cai quản bởi giới tinh hoa và tầng lớp quý tộc hoàng gia.
Ngày nay, khu phức hợp này bao gồm các điện thờ, cung điện cùng các công trình kiến trúc khác trải dài trên khung cảnh hùng vĩ của thung lũng giữa hai ngọn đồi Hemakuta và Matanga.
Điểm nhấn của khu di tích là đền Vitthala – nổi tiếng với chiếc xe ngựa đá biểu tượng và những cột trụ phát ra âm thanh kỳ diệu, cùng với đền Virupaksha – chốn linh thiêng vẫn còn được thờ phụng cho đến tận ngày nay.
Quần thể di tích Mahabalipuram, bang Tamil Nadu
Mahabalipuram, hay còn gọi là Mamallapuram, nổi tiếng với những điện thờ và tác phẩm điêu khắc đá đầy ấn tượng, được tạo dựng dưới triều đại Pallava vào thế kỷ VII và VIII. Nơi đây là minh chứng tuyệt đỉnh cho nền văn minh rực rỡ và tín ngưỡng cổ xưa của Ấn Độ.
Nằm dọc theo Vịnh Bengal ở bang Tamil Nadu, quần thể di tích Mahabalipuram nổi bật với đền Shore hùng vĩ nhìn ra biển. Các điểm tham quan nổi tiếng khác bao gồm Ngũ Xa (một cỗ xe ngựa được tạc từ đá nguyên khối) và tấm bia đá khổng lồ Arjuna’s Penance, tái hiện thần thoại Hindu.
Những tuyệt tác nghệ thuật này khiến Mahabalipuram trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với những người yêu thích lịch sử và kiến trúc.
Dãy núi Western Ghats
Western Ghats, trải dài dọc theo bờ biển phía Tây Nam Ấn Độ, là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Dãy núi bao phủ một phần của các bang Karnataka, Tamil Nadu, Kerala và một số bang khác, là nơi sinh sống của hệ thực vật và động vật phong phú, bao gồm nhiều loài đặc hữu.
Western Ghats đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái của Ấn Độ và nổi tiếng với những khu rừng mưa xanh tươi, các đồn điền trà, cùng những khu bảo tồn động vật hoang dã như Periyar và vườn quốc gia Thung lũng Silent.
Hiện Western Ghats được coi là nơi có số lượng rắn hổ mang chúa còn nhiều nhất thế giới. Nhiều khu bảo tồn được quy hoạch tại đây nhằm tạo ra môi trường sống phù hợp, được bảo vệ nghiêm ngặt cho loài rắn này. Đây quả thực là thiên đường dành cho những người yêu thiên nhiên và ưa thích phiêu lưu.
Đền thờ Brihadeeswarar thời Chola, bang Tamil Nadu
Được xây dựng từ triều đại Chola vào thế kỷ XI-XII, các đền thờ tiêu biểu cho đỉnh cao kiến trúc Dravidian. Nổi tiếng nhất trong số đó là đền Brihadeeswarar ở Thanjavur, một công trình khổng lồ bằng đá granite để tôn vinh Thần Shiva.
Các tác phẩm điêu khắc tại đây cũng được thực hiện vô cùng công phu với những kỹ thuật bí ẩn. Đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa thể giải thích được cách mà các nghệ nhân dưới triều đại Chola có thể tạo nên bức tượng thần bò Nandi, nặng tới 20 tấn, được chạm khắc tỉ mỉ trên một phiến đá khổng lồ dài 4,9m và cao 4m, nằm uy nghiêm ngay lối vào ngôi đền.
Hai ngôi đền còn lại, Airavatesvara ở Darasuram và đền Gangaikonda Cholapuram, cũng không kém phần ấn tượng về mức độ nguy nga và tinh xảo, tái hiện kiến trúc và văn hóa đỉnh cao của đế chế Chola.
Quần thể Pattadakal, bang Karnataka
Nhóm di tích đền thờ Pattadakal, nằm ở phía Bắc bang Karnataka, là một địa điểm ít được biết đến nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Nam Ấn. Quần thể các ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ VII-VIII là sự kết hợp độc đáo giữa phong cách kiến trúc miền Bắc và miền Nam Ấn Độ.
Đặc biệt, đền Virupaksha, được xây dựng bởi Hoàng hậu Lokamahadevi để kỷ niệm chiến thắng của Vua Vikramaditya II, là điểm nhấn nổi bật với những tác phẩm điêu khắc và chạm khắc tinh xảo.
Di tích Pattadakal phản ánh những thành tựu nghệ thuật và văn hóa của triều đại Chalukya, đồng thời là biểu tượng của sự đa dạng trong kiến trúc Ấn Độ.
Các di sản văn hóa độc đáo ở miền Nam Ấn Độ là minh chứng cho sự tinh tế trong nghệ thuật và kiến trúc, phản ánh chiều sâu lịch sử và tín ngưỡng của mỗi khu vực. Từ những ngôi đền vĩ đại đến các tác phẩm điêu khắc độc đáo, mỗi công trình đều gợi nhắc về một thời kỳ huy hoàng và tinh thần sáng tạo không ngừng. Những di tích này không chỉ thu hút du khách toàn cầu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và tiếp nối các giá trị văn hóa quý báu cho các thế hệ tương lai của đất nước bên bờ sông Hằng.
Nguồn TG&VN:https://baoquocte.vn/5-di-san-the-gioi-khong-the-bo-qua-khi-kham-pha-mien-nam-an-do-285556.html