Bão lụt và bão mạng
Bão lụt và bão mạng
Tôi có cảm nhận rằng, không phải lũ lụt, mà chính mạng xã hội đã góp phần làm náo loạn Thủ đô từ hôm qua đến giờ – cuối chiều 11/9.
Trước khi viết những dòng này, tôi gọi điện thăm hỏi 3 người bạn tôi, những người đều đang sinh sống ở mép sông Hồng.
Người thứ nhất là bác ca sĩ Lộc Vàng, nhà ở bên bãi sông, khu cuối cùng của ngõ 165 Tứ Liên. Hỏi thăm nhà cửa ngập lụt ra sao, ông Lộc cười hi hi bảo cũng ngập khoảng 1m rồi, nhưng anh đã kê đồ đạc lên gác xép và đi sơ tán lên nhà con trai ở phố Hoàng Hoa Thám rồi, mọi việc rất ổn chú em ạ.
Người thứ 2 là chú em – họa sĩ Nguyễn Thắng, nhà ở đường 10 Phúc Xá. Chú em nói nhà em ngập khoảng 50cm, em kê đồ lên cao và vẫn sinh hoạt bình thường Cụ ạ, Cụ không phải lo.
Người thứ 3 là ông bạn thương binh Hoàng Cường, nhà ở cuối Phúc Xá giáp Phúc Tân. Tôi gọi cốt để mời ông sơ tán lên nhà mình cho có người uống rượu cùng. Ông cười ha ha bảo tôi vẫn rượu đều mấy bữa nay, nhà ngập gần 1 mét nhưng tôi chưa phải bỏ bữa nào vì con gái từ Ô Chợ Dừa vẫn tiếp tế cho bố đầy đủ rượu thịt.
Nhà tôi nhìn ra đê sông Hồng, hay nói chính xác hơn là đê sông Hồng ở ngay trước mặt nhà tôi. Người Hà Nội gốc gọi là phố trong đê. Còn bên kia đê, một số phường thuộc quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, người Hà Nội từ xưa đến giờ gọi khu vực đó là “ngoài bãi”.
Nhiều người viết Facebook, thậm chí cả vài phóng viên các báo, không phân biệt được, hoặc viết không rõ là ngập ở ngoài bãi chứ không phải các phố trong đê, khiến nhiều người ở xa và ngay tại Hà Nội cũng hốt hoảng lo lắng.
Tôi sinh sống ở phố ven đê sông Hồng đến nay đã tròn 70 năm, chứng kiến tất cả những trận lụt lớn bé, chứng kiến cảnh bà con ngoài bãi sơ tán chạy lụt vào trong phố bao lần, nhưng tôi luôn thấy cả bà con ngoài bãi và dân trong phố đều rất bình tĩnh, thậm chí nhiều người chấp nhận lũ lụt như một trải nghiệm của đời sống hàng ngày.
Nhưng năm nay lũ lụt sao cứ loạn hết cả lên thế không biết? Ngôi trường ở phố tôi được quận Ba Đình chọn làm nơi sơ tán cho cư dân Phúc Xá chạy lụt, trường có mấy chục phòng học rộng thênh thang, điện nước đầy đủ, vậy mà từ đêm qua đến giờ cũng chỉ có khoảng 2 chục người lên đó sơ tán.
Rồi vừa vào trang của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, thấy ông post cái ảnh một người bạn ông chụp dưới gầm cầu Long Biên lúc 10h sáng nay, như là một minh chứng hùng hồn cho việc không hề có chuyện nước sông Hồng đã mấp mé mặt đê, đã mấp mé sàn cầu Long Biên như nhiều Facebooker loan tin trên mạng xã hội từ 2 hôm nay.
Cơn bão lụt của thiên nhiên đã nguy hiểm, đã gây ra bao mất mát đau thương cho đồng bào mình rồi, xin các Facebooker hãy thận trọng khi loan tin về lũ lụt ở Hà Nội và các tỉnh thành khác đang chịu ảnh hưởng.
Xin hãy đừng tạo thêm một cơn bão mạng, gây hoang mang, hoảng loạn, lo lắng quá mức, thậm chí là không đáng có, đối với bà con đang phải gồng mình lên trước những mất mát, khổ sở, đau thương do thiên nhiên mang tới.
Nhân tai cũng khó đỡ không kém gì thiên tai đâu, hỡi các Facebooker và một số phóng viên hiện trường thân mến ạ!
Nguồn SK&ĐS:https://suckhoedoisong.vn/bao-lut-va-bao-mang-169240912114838203.htm