Đạo diễn “Ngày xưa có một chuyện tình”: Tôi không bê nguyên sách lên phim
Đạo diễn “Ngày xưa có một chuyện tình”: Tôi không bê nguyên sách lên phim
VOV.VN – Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của phim điện ảnh “Ngày xưa có một chuyện tình”, việc chuyển thể đòi hỏi một quá trình sáng tác và cải biên riêng, cùng với những sáng tạo độc đáo. Chúng ta cần chấp nhận bỏ bớt một số phần để vừa nằm trong khung nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho câu chuyện phát triển và mở rộng hơn nữa.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của “Ngày xưa có một chuyện tình” chia sẻ với phóng viên VOV.VN những thách thức anh gặp phải trong quá trình chuyển thể truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành phim điện ảnh.
PV: Chuyển thể truyện dài “Ngày xưa có một chuyện tình” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành phim điện ảnh, anh gặp những thách thức gì?
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Bản thân “Ngày xưa có một chuyện tình” là một quyển sách ăn khách nhưng cũng được cho là khó chuyển thể, bởi vì trong truyện, ba nhân vật có ba góc nhìn khác nhau. Trong truyện, chúng ta có thể đi sâu vào dòng suy nghĩ của từng nhân vật, nhưng trên phim, điều này không thể thực hiện. Chúng ta phải truyền tải cảm xúc qua hành động, hình ảnh và các yếu tố khác. Dù vậy, câu chuyện vẫn có nền tảng tốt về tình bạn, tình yêu, sự trưởng thành và những vấp ngã. Tuy nhiên, việc hiểu rõ nhân vật và đảm bảo có những góc nhìn đa chiều trên phim là một thách thức lớn.
Việc đảm bảo tinh thần của tác phẩm gốc, thông điệp và hệ thống nhân vật là rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này cũng cần phải phù hợp với bản chất của một bộ phim điện ảnh, vì nó có những giới hạn và lợi thế riêng. Mọi thứ trên màn hình đều phải thể hiện qua biểu cảm của diễn viên và điều này tạo ra một cách tiếp cận khác biệt cho người xem. Tôi cũng nhận thức ngay từ đầu rằng hai hình thức này rất khác nhau, vì vậy, không thể nào chỉ bê nguyên tác phẩm văn học để làm phim. Việc chuyển thể đòi hỏi một quá trình sáng tác và cải biên riêng, cùng với những sáng tạo độc đáo. Chúng ta cần chấp nhận bỏ bớt một số phần để vừa nằm trong khung, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho câu chuyện phát triển và mở rộng hơn nữa.
Chúng tôi hy vọng rằng phiên bản điện ảnh này vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm gốc, nhưng cũng sẽ mang lại những yếu tố độc đáo của điện ảnh. Khi so sánh giữa một tác phẩm điện ảnh và một tác phẩm văn học, luôn có sự khác biệt trong cách tiếp nhận và trải nghiệm.
PV:Sau khi xem phim, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có phản hồi gì với anh không?
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có thể ít khi bộc lộ cảm xúc. Tuy nhiên, theo những gì tôi biết vợ, con gái và các em của ông đã rất xúc động khi xem bộ phim này.
Dĩ nhiên, ông cũng có phản hồi nhưng tôi không thể nói thay ông. Tôi chỉ ghi nhận cảm xúc của những người xung quanh. Trong nghệ thuật, ít khi người ta thẳng thắn khen ngợi hay chỉ trích và đó là điều tôi tôn trọng ở nhà văn. Ông có thể thích hoặc không hài lòng với một số điều nhưng tôi cảm nhận rằng ông rất thận trọng khi chia sẻ quan điểm về bộ phim. Theo cảm nhận chung, tôi nghĩ ông thích bộ phim, song tôi không dám chắc về điều này. Có lẽ bạn nên hỏi trực tiếp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ rõ hơn.
PV: Phim chuyển thể từ sách, các nhân vật khó tránh khỏi bị so sánh với nguyên tác. Với nhiều dự án chuyển thể, có người hài lòng, có người lại thấy nhân vật không giống như hình dung của họ. Nhưng ở dự án lần này, khi công bố nhân vật, nhiều khán giả nhận xét Vinh, Phúc và Miền như “xé” truyện bước ra. Có vẻ như 3 diễn viên là sự lựa chọn rất đúng đắn của anh? Anh đánh giá như thế nào về bộ 3 của mình?
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Họ là những diễn viên trẻ với khát vọng nghề nghiệp mãnh liệt, nên khi tham gia vào dự án này, họ gần như sống chết với nó. Tuy nhiên, nhiệt tình thôi chưa phải là đủ; điều kiện tiên quyết của một diễn viên là sự nhạy cảm, khả năng biến hóa và linh hoạt trong diễn xuất. Cả ba diễn viên trong dự án này đều sở hữu những phẩm chất đặc biệt đó. Kết quả trên phim là một sản phẩm vượt xa sự kỳ vọng của tôi. Khi thấy họ trò chuyện và thể hiện trước công chúng, tôi cảm nhận rằng họ đã thật sự sống cùng nhân vật trong suốt quá trình quay và vẫn còn lưu giữ điều đó cho đến tận bây giờ.
Khi nhắc đến Avin, đó là một người mà tôi đã chú ý từ lâu qua các chương trình truyền hình thực tế, với sự xuất hiện đầy ấn tượng. Tôi từng muốn mời bạn ấy casting cho một dự án phim thương mại, nhưng khi ấy lịch trình của Avin không cho phép. Về sau, khi bạn tham gia đóng “Sài Gòn trong cơn mưa” và một số phim khác, tôi càng tin rằng bạn sẽ là một diễn viên triển vọng.
Ban đầu, tôi không gọi Avin vào vòng đầu casting vì thường để vòng này cho những gương mặt mới hoàn toàn. Nhưng sau khi tìm kiếm một gương mặt mới mà không thành công, tôi quyết định mời Avin thử vai. Khi bước vào phòng, cậu ấy mang phong thái lãng tử và bất ngờ hơn, hôm đó Avin nói giọng Nam rất tự nhiên, dù thường ngày cậu nói giọng Bắc. Tôi biết Avin có thể nói tiếng Huế rất tốt trong một dự án trước đây nhưng không ngờ cậu có thể sử dụng giọng Nam nhẹ nhàng và trầm ấm như vậy. Giọng nói ấy thể hiện tính cách nhân vật một cách hoàn hảo: vừa mềm mại, si tình, nhưng cũng giữ được sự đằm thắm.
Điểm đặc biệt của Avin là cậu không sa vào việc miêu tả một chàng trai lụy tình theo lối mòn mà nhân vật của cậu lại có nét hồn nhiên, sống động. Điều này giúp nhân vật thêm phần chân thực, tự nhiên. Một diễn viên cần có sự nhạy cảm lớn để thể hiện trọn vẹn những cảnh quay, đặc biệt là trong các phân đoạn trưởng thành và chuyển biến cảm xúc và Avin đã làm rất tốt điều này.
Sự nhạy cảm đó cũng có ở Ngọc Xuân. Xuân có nhiều điểm mạnh và lợi thế tự nhiên khi bước vào phòng casting. Ban đầu, tôi chưa thấy Xuân thật sự nổi bật về nhan sắc nhưng qua thời gian, khi dần hóa thân vào nhân vật, cô ấy trở nên xinh đẹp hơn trong mắt tôi. Cũng có lúc tôi do dự khi giao vai cho Xuân, vì chưa hoàn toàn chắc chắn – tỷ lệ tin tưởng chỉ khoảng 50-50, hoặc cao nhất là 70-30, chứ chưa đạt 100%. Nhưng sau nhiều lần tình cờ gặp Xuân tại các sự kiện khác nhau, tôi nhận thấy đây là một cô gái rất đa dạng: cô có thể làm người mẫu cho các nhãn hàng, hoặc trở thành một người yêu thích đọc sách và khám phá nhiều khía cạnh nghệ thuật, không chỉ riêng điện ảnh. Ngọc Xuân cũng đã tìm hiểu sâu về vai diễn này, thể hiện sự tận tâm với nhân vật.
Với một người có sự đa dạng và chiều sâu tâm hồn như vậy, tôi tin rằng Ngọc Xuân sẽ nắm bắt vai diễn hoàn hảo khi có đủ thời gian. Mặc dù đây là một quyết định có phần mạo hiểm nhưng trong quá trình quay, mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ. Chúng tôi đã cùng nhau tập luyện kỹ lưỡng và cô ấy cũng dồn toàn bộ 100% sức lực cho vai diễn này suốt hơn 3-4 tháng.
Nhật Hoàng là một người trẻ năng động, tràn đầy năng lượng tích cực. Dù không phải là lựa chọn hoàn toàn an toàn, nhưng càng về sau, Hoàng càng thể hiện rõ tinh thần cầu tiến mạnh mẽ. Với một diễn viên, ngoài tài năng, phẩm chất cá nhân và ngoại hình, tinh thần cầu tiến chính là yếu tố quan trọng giúp họ ngày càng hoàn thiện.
Trong quá trình quay, Nhật Hoàng đã gặp nhiều khó khăn hơn so với các bạn diễn khác, cậu luôn tìm cách khắc phục ngay lập tức. Đây là lần đầu tiên tôi tiết lộ rằng, trong ba diễn viên, Hoàng là người gặp nhiều trục trặc nhất. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng, cậu đã vượt qua và đạt được kết quả tuyệt vời cho vai diễn của mình.
PV: Đọc “Ngày xưa có một chuyện tình”, trường đoạn lấy nước mắt của độc giả là phần đấu tranh nội tâm của cả 3 nhân vật để đi đến những quyết định quan trọng. Đó chỉ là phần độc thoại và có lẽ là thử thách với anh khi thể hiện trên phim?
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Đúng là trường đoạn đó rất khó và phức tạp – một thử thách hóc búa đối với biên kịch, đạo diễn, người dựng phim và cả người làm nhạc. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi đã vượt qua được cảnh này, khi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đây là một trường đoạn đậm đặc cảm xúc, vì trên phim chúng ta không có lợi thế đi sâu vào dòng suy nghĩ của nhân vật như tiểu thuyết. Trên màn ảnh, đó là hình ảnh, hành động, và những gợi mở tinh tế. Chúng tôi cũng sử dụng một ít lời thoại nội tâm để tạo chiều sâu cho cảnh quay.
Phép dụng công trong dựng phim giúp chúng tôi đan xen giữa các nhân vật, cho phép người xem thấy nhân vật suy tư, bước xuống xe, hay thực hiện những hành động đầy ẩn ý – những tín hiệu có thể là thật hoặc giả, tạo ra cảm giác bấp bênh và làm khán giả tự hỏi nhân vật sẽ đưa ra quyết định nào. Đây là điểm độc đáo của điện ảnh: hình ảnh có thể mở ra nhiều chiều suy nghĩ mà không cần diễn giải cặn kẽ như trong tiểu thuyết nhưng vẫn có sức gợi lớn, mang lại cảm xúc riêng biệt cho người xem.
PV: Bộ phim trước đó chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng được quay ở Phú Yên. Anh không sợ bối cảnh bị lặp lại sẽ khiến khán giả cảm thấy không có sự mới mẻ?
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Tôi không lo lắng về sự lặp lại bối cảnh, vì Phú Yên rất rộng và vẫn còn nhiều góc khuất chưa được khai thác. Chúng tôi đã đi qua nhiều tỉnh miền Trung, cuối cùng vẫn chọn dừng chân tại Phú Yên bởi vẻ đẹp đa dạng của thiên nhiên nơi đây. Điều quan trọng nhất là Phú Yên vẫn giữ được nét truyền thống với những ngôi làng và mái ngói đỏ tứ sơn, những kiến trúc cũ kỹ. Các bậc cao niên vẫn lưu giữ những nét đặc trưng ấy, trong khi lớp trẻ đã rời xa để tìm cơ hội ở thành phố. Ngay cả những công trình mới xây cũng vẫn giữ nét mái ngói đỏ, tạo nên một sự đồng nhất đầy ấn tượng.
Người dân Phú Yên trân trọng vẻ đẹp trầm mặc, và không để sự đô thị hóa làm mất đi bản sắc. Tôi chọn Phú Yên cho bộ phim không chỉ vì sự đồng nhất ấy mà còn vì một bộ phim dài ngày cần có một không gian mà mỗi cảnh quay đều phải chân thực, phản ánh đúng thời đại và tinh thần của câu chuyện.
PV: 3 bộ phim chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trước đó là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua” và “Mắt biếc” đều rất thành công. Điều này có khiến anh lo lắng tác phẩm của mình sẽ bị đem ra so sánh?
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Truyện của Nguyễn Nhật Ánh thường có mô típ quen thuộc về những mối tình trong sáng, với hình ảnh những chàng trai lớn lên mang trong mình tình yêu không được đáp lại. Dù vậy, những câu chuyện này vẫn mang tính kinh điển, bởi tình yêu – đặc biệt là tình tay ba hoặc tình yêu đơn phương – luôn là đề tài muôn thuở. Dù là tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh hay một kịch bản gốc, tôi không ngại chuyển thể một câu chuyện khác của ông cho dự án tương lai, bởi kho tàng truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất phong phú về mặt tâm lý nhân vật. Đây là điều đặc biệt ở các tác phẩm của ông mà chúng ta nên trân trọng và không ngại lặp lại.
Mỗi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều có những điểm riêng. Như trong “Ngày xưa có một chuyện tình”, tác phẩm này mang đến cái nhìn về nhân vật ở độ tuổi trưởng thành, cho thấy họ phải đưa ra những quyết định quan trọng. Đặc biệt, nhân vật nữ lần này không chỉ là đối tượng được yêu, được ngắm nhìn từ nhân vật nam mà cô ấy có những lựa chọn và quyết định của riêng mình. Đây là điều tôi rất trân trọng.
Bên cạnh đó, tác phẩm này còn có những yếu tố táo bạo hơn. Dù không đọc hết tất cả các tác phẩm của ông nhưng có lẽ đây là một trong những truyện hiếm hoi mà Nguyễn Nhật Ánh đề cập đến sự thân mật gần gũi giữa các nhân vật. Đồng thời, chủ đề tình bạn và những mất mát khi trưởng thành được khắc họa rất rõ nét. Dù tác phẩm được gọi là ‘chuyện dài’ thay vì ‘tiểu thuyết,’ nó vẫn chứa đựng chiều sâu tâm lý và sự phát triển đáng kể của từng nhân vật.
PV: “Ngày xưa có một chuyện tình” là một bộ phim không có ngôi sao phòng vé, vậy anh có cảm thấy áp lực về vấn đề doanh thu không?
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Là một đạo diễn, tôi luôn cố gắng làm ra bộ phim tốt nhất có thể để đáp ứng kỳ vọng của nhà sản xuất, giúp họ có một tác phẩm đủ tiềm năng thu hút khán giả. Nhưng khi làm việc trên trường quay, tôi không nghĩ đến doanh thu phòng vé mà tập trung vào việc làm tốt bộ phim trước đã. Công việc doanh thu và phát hành sẽ do các bộ phận khác đảm nhận. Khi chọn diễn viên, chúng tôi cũng có sự thống nhất rằng đây là những gương mặt mới, và điều này mang đến cả lợi ích lẫn thách thức khi quảng bá phim.
Dàn diễn viên mới tạo ra một sức hút tươi mới cho các vai diễn, điều mà những gương mặt quen thuộc có thể không mang lại được. Hơn nữa, họ cũng khơi dậy sự tò mò, thu hút khán giả ra rạp khám phá. Cuối cùng, dù áp lực đặt lên đạo diễn là không ít, phần áp lực về doanh thu có thể chia sẻ với nhà sản xuất và nhà phát hành, bởi đó là nhiệm vụ chính của họ.
Thực sự, mỗi ngày phim được công chiếu, tôi cảm thấy đó là thành quả tổng hợp từ tất cả những tháng ngày dài mình đã sống cùng bộ phim. Đối với tôi, việc phát hành chỉ là bước hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng. Mọi niềm vui thực sự với bộ phim đã đến từ khi hoàn thành kịch bản, quá trình tiền kỳ, sản xuất, và đặc biệt là khi có bản chiếu cuối cùng ưng ý.
Hiện tại, khi chờ đợi phản ứng của khán giả, tôi giữ cho mình một tâm trạng trung dung – không quá hân hoan nhưng cũng không quá thất vọng trước bất kỳ kết quả nào. Dĩ nhiên, một kết quả doanh thu tốt là điều tôi luôn hy vọng, vì nó sẽ giúp nhà sản xuất có thêm kinh phí để thực hiện thêm nhiều bộ phim khác.
PV: Xin cảm ơn anh!