Biến tướng mới trong ngành y
Mới đây, Sở Y tế TP HCM phối hợp với cơ quan chức năng quận 1 kiểm tra cơ sở hộ kinh doanh E-star Clinic, Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ E-Star (địa chỉ 59 Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định). Đơn vị này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) vào ngày 25-6-2024 với các ngành nghề hoạt động như phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng khám thẩm mỹ và các dịch vụ làm đẹp khác. Tuy nhiên, chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động khám chữa bệnh (KCB) tại địa chỉ trên.
Gắn biển bệnh viện, cho thuê phòng mổ
Dù vậy, ngay bên ngoài, cơ sở này cũng treo biển hiệu “hospital” và quảng cáo cho thuê phòng mổ với nhiều thiết bị thẩm mỹ như máy nâng cơ; phòng phẫu thuật đầy đủ trang thiết bị. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu xem hồ sơ, nhân viên công ty đã nhanh chóng tẩu tán các phiếu đăng ký dịch vụ đã thực hiện cho khách hàng trước đó. Giám đốc công ty, bà L.C.Đ, khẳng định công ty chưa thực hiện bất kỳ dịch vụ tiêm hay phẫu thuật thẩm mỹ nào.
Thế nhưng, khi liên hệ với khách hàng đã sử dụng dịch vụ tại đây, họ cho biết đã thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ như căng da mặt và tiêm vùng ngực vào ngày 9-10-2024 nhưng không biết rõ tên người thực hiện vì đeo khẩu trang. Sau đó, bà L.C.Đ mới thừa nhận ông P.Đ.H là người thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ cho khách hàng.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện trang Facebook “Bệnh viện thẩm mỹ E-Star” quảng cáo trái phép dịch vụ KCB. Với các sai phạm rõ ràng, Thanh tra Sở Y tế đã quyết định đình chỉ hoạt động của Công ty E-Star trong 18 tháng và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trước đó, tại cùng địa chỉ này, Thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh E-star Clinic do bà L.C.Đ làm chủ và đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay đã 3 lần nhắc nhở nhưng chưa thực hiện trách nhiệm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã xử phạt 10 cơ sở kinh doanh đăng ký chữ “bệnh viện” trong tên DN vi phạm pháp luật. Trong đó, có 6 phòng khám chuyên khoa gồm 1 phòng khám chuyên khoa mắt, 1 phòng khám ngoại, 3 phòng khám thẩm mỹ, 1 phòng khám răng hàm mặt; 3 phòng khám đa khoa; 1 cơ sở chăm sóc da. Ngoài ra, còn có 1 cơ sở hành nghề thẩm mỹ nhưng không có giấy phép hoạt động KCB.
Đáng chú ý, Sở Y tế cho biết khi tra cứu về thông tin DN trên địa bàn thành phố cho thấy hiện có ít nhất 184 DN tư nhân sử dụng tên khi đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh tại Sở KH-ĐT có cụm từ “bệnh viện” nhưng không hoạt động theo mô hình bệnh viện. Trong số đó có các DN khi đăng ký thủ tục hành chính để thành lập phòng khám buộc Sở Y tế phải cấp phép với tên gọi có cụm từ “bệnh viện” vì lý do phòng khám đăng ký lấy tên theo tên của DN đã được in trong giấy chứng nhận kinh doanh do Sở KH-ĐT cấp.
Kịch bản tinh vi
Vấn nạn đáng báo động là hiện nhiều cơ sở y tế uy tín đang phải đối mặt tình trạng bị mạo danh trên mạng xã hội. Tại TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa phát đi cảnh báo tình trạng không ngừng mạo danh bác sĩ nơi đây để trục lợi bất chính. Mới nhất là một fanpage giả mạo tự xưng là bác sĩ trưởng khoa đang công tác tại Khoa Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy có tên là “PGS-TS-BS Văn Thanh”. Qua tìm hiểu, tại đây không có bác sĩ trưởng khoa nào tên như vậy cũng như hình ảnh đại diện mà trang giả mạo này đăng tải. Hiện Trưởng Khoa Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy là TS-BS Trần Văn Dương.
Ngoài ra, hình nền của trang giả mạo này còn sử dụng hình ảnh tập thể Khoa Nội soi của bệnh viện rồi cắt ghép, đưa hình bác sĩ giả mạo vào ảnh gốc nhằm mục đích tạo lòng tin với khách hàng, gây nhiều bức xúc cho các bác sĩ. Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay, nhắm vào nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, các đối tượng không ngừng mạo danh bác sĩ thẩm mỹ để tạo lòng tin, trục lợi bất chính. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi của người dân để xác minh. Có người “tiền mất tật mang” khi đem cơ thể, sức khỏe của mình để bác sĩ mạo danh làm đẹp. “Chúng tôi khẳng định chỉ có duy nhất Khoa Tạo hình Thẩm mỹ nằm trong khuôn viên bệnh viện và không có bất kỳ chi nhánh nào khác” – lãnh đạo bệnh viện cảnh báo.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhiều lần lên tiếng về việc bị giả mạo. Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay một số đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình ảnh bác sĩ của bệnh viện làm chuyên môn, có đeo khẩu trang, đội mũ, mặc đồ bảo hộ (không rõ danh tính) để “khoe” công việc hằng ngày của bản thân; làm giả bằng khen, cúp, huy hiệu “Bác sĩ xuất sắc” có in logo, tên “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” tạo uy tín; làm giả giấy xác nhận công tác tại bệnh viện có chữ ký và dấu đỏ của lãnh đạo bệnh viện…
Trước đó, bệnh viện từng cảnh báo về một clip mạo danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một người đàn ông lớn tuổi nói rằng có gần 40 năm công tác tại bệnh viện và trước khi nghỉ hưu đã mắc các bệnh: tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa cột sống, rối loạn thần kinh trung ương. Người này chia sẻ khi được tiếp cận với cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của người phương Đông” và đã thực hành 4 tháng ăn chay, kết quả là mọi bệnh đã hết. Ngoài việc chia sẻ về liệu pháp ăn chay chữa lành tự nhiên, clip này còn dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.
Người trong ngành bức xúc
Tình trạng mạo danh thương hiệu của bệnh viện lớn để trục lợi cũng diễn ra phức tạp. Năm 2020, khi phát hiện một cơ sở có tên “Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội” (ở Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phối hợp với Công an TP Hà Nội xử lý. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, xử lý thì không thể xử phạt hành vi sử dụng tên “Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội” vì chưa đủ căn cứ. Sau khi bị xử phạt hành chính vì chưa chấp hành đúng các quy định tại giấy phép kinh doanh được cấp, một thời gian sau, cơ sở này tiếp tục hoạt động với tên trên.
Trước tình trạng này, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã làm các thủ tục đăng ký bản quyền thương hiệu nhưng cơ quan chức năng chỉ có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu với tên đầy đủ là “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”, còn số 108 là số tự nhiên nên không thể bảo hộ. Đại diện bệnh viện cho biết đối tượng lừa đảo có thủ đoạn rất tinh vi, có sự đầu tư về mặt hình ảnh và thường hướng đến người bệnh cao tuổi, khó nhận biết dấu hiệu giả mạo. Nhiều người dân chỉ nhận ra bị lừa đảo khi “tiền mất tật mang.”
Nhằm ngăn chặn các hành vi mạo danh, lừa đảo, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thường xuyên rà soát, báo cáo cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng, đồng thời cảnh báo trên website của bệnh viện. Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần cảnh giác hơn nữa. “Bệnh viện không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến. Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện” – đại diện bệnh viện khẳng định.
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội), bức xúc khi hình ảnh ông bị sử dụng trái phép để quảng cáo một loại thuốc có khả năng điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp. PGS Hiếu khẳng định đây hoàn toàn là tin giả. “Tôi đã nhiều lần bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo loại thuốc uống điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp. Tôi luôn nhận được tin nhắn hỏi về vấn đề này, nguy hiểm hơn là ngay cả các bác sĩ cũng “bán tín bán nghi”” – PGS Hiếu nói.
Với thủ đoạn giả mạo bác sĩ các bệnh viện lớn, các đối tượng đã lừa bán thuốc cho 8.000 người để chiếm đoạt hơn 30 tỉ đồng.
Lộ diện đường dây giả danh bác sĩ
Cuối năm 2023, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 26 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả. Các đối tượng này đã viết kịch bản giả danh bác sĩ của bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi “chạy” quảng cáo để bán thuốc qua mạng cho người bệnh. Khi người dân click vào các fanpage trên, đối tượng mời chào để lại thông tin, số điện thoại để “bác sĩ” gọi điện lại tư vấn. Có thông tin, số điện thoại của người bệnh, đối tượng bán hàng sẽ giả danh bác sĩ bệnh viện gọi lại cho bệnh nhân tư vấn, mời chào mua liệu trình điều trị tiểu đường, huyết áp. Mỗi hộp thuốc có chi phí sản xuất là 25.000 đồng được bán với giá 2 triệu đồng và “ưu đãi” cho người già, người có công; thương bệnh binh… với giá 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm.