Khánh Hòa: Phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch miền núi
Khánh Hòa: Phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch miền núi
VOV.VN – Khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Raglay với đời sống văn hóa, tinh thần phong phú. Đây là những tài nguyên quý giá để các địa phương thu hút đầu tư vào khu vực này.
Nhiều năm nay, đồng bào dân tộc Raglai tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa gìn giữ, tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ bỏ mã, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ cưới, lễ ăn đầu lúa mới… Những nghi lễ này đều có sự tham gia của cả cộng đồng nhằm duy trì gắn kết tình cảm gia đình, dòng họ, buôn làng; thể hiện ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc và triết lý sống hòa hợp với tự nhiên, vũ trụ…
Lễ hội truyền thống được dân làng tổ chức là sự tổng hợp của nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, được chính các nghệ nhân và đồng bào phô diễn, thể hiện. Ví dụ như trang phục, các hiện vật văn hóa, những nghi thức, bài cúng, nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ, ẩm thực. Anh Cao Văn Quyết, ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Ý nghĩa buổi lễ tạ ơn hôm nay, cảm ơn cha mẹ đã sinh ra mình. Đã cho mình ăn, học, đất đai để sản xuất, làm ăn. Khi kinh tế mình khá giả lên mình làm lễ tạ ơn, thay lời cảm ơn chân thành nhất đối với cha mẹ. Sau khi hoàn thành buổi lễ hôm nay, tôi cảm thấy rất tự hào về bản thân và truyền thống của người Raglay nói chung”.
Tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng kế hoạch khai thác các tiềm năng di sản văn hóa, phục vụ phát triển du lịch. Đàn đá Khánh Sơn, bảo vật quốc gia được 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đưa vào truyền dạy tại cơ sở. Cán bộ, công chức văn hóa, giáo viên âm nhạc, học sinh có năng khiếu văn nghệ, văn hóa được bồi dưỡng, tập huấn sử dụng đàn đá. Học viên được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản sử dụng đàn đá để biểu diễn phục vụ trong những sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Từ đó, góp phần đưa đàn đá – loại nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai phổ biến hơn trong cuộc sống hiện đại. Đồng thời, các địa phương tạo cơ hội cho các nghệ nhân người Raglai thể hiện các loại hình diễn xướng dân ca, biểu diễn nhạc cụ truyền thống thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương hay các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch.
Em Si Linh, ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Em biểu diễn nhạc cụ, bán hàng, múa, đánh đàn đá. Thầy dạy các em từng nốt, mới đầu chúng em không biết, thầy phải chỉ từng nốt nhạc vì các em không học qua trường lớp, bây giờ đã được 10 năm. Đánh đàn đá của người Raglay em cảm thấy tự hào. So với đi làm rẫy làm ở đây tốt hơn”.
Đến nay, 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã bảo tồn, chế tác được 10 bộ đàn đá; tổ chức các lớp truyền dạy đánh mã la, học hát sử thi, dạy tiếng nói và chữ viết Raglay cho hơn 400 người. Các xã, thị trấn đã thành lập đội văn nghệ, đội mã la, đàn đá, đàn chapi và thổi kèn bầu…, sẵn sàng phục vụ khách khi có nhu cầu.
Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến, ở huyện Khánh Sơn cho biết, văn hóa đồng bào dân tộc Raglay còn khá nguyên bản với nhiều lễ hội độc đáo, mới lạ. Không chỉ phong tục văn hóa mà tập quán sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” của bà con cũng có rất nhiều giá trị trong thời kỳ biến đổi khí hậu. Văn hóa Raglay là những tài nguyên quý giá để thu hút du khách. Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến cho biết: “Người Raglay có tập quán sản xuất, canh tác gần như bền vững, mang lại hiệu quả. Du khách có thể nghiên cứu về văn hóa tâm linh. Đặc biệt, người Raglay có kỹ thuật sản xuất chỉ sử dụng công cụ thô sơ nhưng cần cù, sáng tạo. Du khách đến đây thấy rất lạ, có nhiều cảm xúc. Du khách muốn tìm hiểu vì bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc khác nhau”.
Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2030, bên cạnh du lịch biển đảo sẽ có thêm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi rừng, du lịch sinh thái hấp dẫn để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, 2 huyện miền núi có những giá trị văn hóa độc đáo, là lợi thế cạnh tranh, đa dạng điểm đến cho du lịch Khánh Hòa. Tài nguyên văn hóa được bảo tồn, phát huy sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi. Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại miền núi.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đang khảo sát để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng; kêu gọi đầu tư du lịch ở các địa phương theo quy hoạch: “Huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh phấn đấu phát triển cộng đồng, gắn với phát triển triển du lịch sinh thái, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiếu số. Các huyện cần triển khai từng bước, đúng theo mục tiêu. Đảm bảo nguồn chi ngân sách hỗ trợ chương trình phát triển du lịch cộng đồng, các địa phương cần có cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ điều kiện mới được thụ hưởng”.