Việt Nam vươn lên là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng 9
Sầu riêng là một trong 11 loại trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Bản tin thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới công bố dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, tháng 9/2024 quốc gia này nhập khẩu 228.000 tấn sầu riêng với giá trị 894,5 triệu USD, tăng 58,4% về lượng và tăng 39% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu xấp xỉ 1,38 triệu tấn sầu riêng, với kim ngạch 6,2 tỷ USD, tăng lần lượt 11,2% về lượng và 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Về nguồn cung, Việt Nam trở thành nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng 9/2024 với khoảng 167.000 tấn, kim ngạch đạt 640,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 90% về lượng và tăng 71,5% về giá trị.
Trong khi đó, Trung Quốc chi 243,2 triệu USD để nhập khẩu 58.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan, tăng 5,3% về lượng nhưng lại giảm 8,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc với lượng đạt 755.000 tấn, kim ngạch đạt 3,73 tỷ USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt gần 618.000 tấn với giá trị 2,45 tỷ USD, tăng 72,2% về lượng và tăng 57,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, quốc gia này nhập khẩu từ Philippines 6.000 tấn sầu riêng với giá trị 16,4 triệu USD, tăng tới 176% về lượng và 97% về giá trị so với 9 tháng đầu năm 2023. Trong khối ASEAN, kỳ này Trung Quốc còn nhập khẩu từ Malaysia 210 tấn sầu riêng với kim ngạch 3,64 triệu USD, cùng kỳ không ghi nhận số liệu nhập khẩu.
Về giá, tháng 9/2024, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc đạt 3.926 USD/tấn, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, giá nhập khẩu bình quân sầu riêng vào Trung Quốc đạt 4.497 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Thái Lan đạt 4.947 USD/tấn, tăng 0,9% YoY. Giá bình quân nhập khẩu từ Việt Nam lại giảm 8,7% YoY, xuống mức 3.962 USD/tấn; từ Philippines giảm 28,5% YoY, còn 2.628 USD/tấn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thu về 4,09 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 66% tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Với kết quả này, chỉ trong vòng 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt mức cao nhất và vượt giá trị xuất khẩu các năm trong giai đoạn 2013 – 2023.
Hiện nay Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây….
Chia sẻ tại hội thảo về xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc với chủ đề “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc” diễn ra chiều 12/11 vừa qua, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, năm 2024, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm khoảng 66% tỷ trọng.
Theo ông Nguyên, với diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha và tổng sản lượng trên 14 triệu tấn/năm, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây quan trọng cho thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc vô cùng đa dạng. Đặc biệt, người tiêu dùng nước này ngày càng quan tâm đến các sản phẩm rau quả sạch, an toàn, có giá thành hợp lý.
Trong khi đó, theo Tổng thư ký Vinafruit, nhiều loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, chanh dây, vải…, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon và chất lượng tốt.
Mặc khác, các cửa khẩu biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc do đó rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng Việt Nam, điều này giúp tăng tính cạnh tranh cho hàng rau quả của doanh nghiệp Việt.
Các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc như RCEP, ACFTA (hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc) đã giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt Nam xuất khẩu.