Hà Nội chuẩn bị có thêm gần 6.000 căn nhà ở xã hội đi vào hoạt động
Theo Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 69 dự án đã và đang triển khai. Giai đoạn 2021 đến nay, có 8 dự án đã hoàn thành toàn bộ với 10.270 căn và 3 dự án hoàn thành một phần.
Còn từ nay đến năm 2025, có gần 6.000 căn hộ, tương đương 345.000m2 sàn tại 11 dự án nhà xã hội dự kiến hoàn thành. Như vậy, với tổng 19 căn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Hà Nội đạt hơn 78% chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà xã hội với khoảng 15.440 căn, tương ứng 952.000m2 sàn.
Giai đoạn 2026-2030, Hà Nội có 50 dự án dự kiến triển khai với gần 57.200 căn, tương ứng 3,2 triệu m2 sàn. Trong đó, thành phố đang thẩm định chủ trương đầu tư 4 trên 5 khu nhà ở xã hội độc lập tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh. Các dự án có tổng diện tích trên 200 ha, cung ứng hơn 12.000 căn.
Cụ thể, 2 khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, xã Tiền Phong huyện Mê Linh.
Thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội tại Thủ đô cũng được bổ sung từ việc chuyển đổi khu nhà ở sinh viên tại khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà xã hội cho thuê. Sở Xây dựng đã được giao lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, trình chấp thuận trong năm 2024. Trong năm 2026, hai toà nhà A2, A3 dự kiến hoàn cải tạo, nâng cấp, còn toà A4 hoàn thành xây dựng chậm nhất trong năm 2027.
Ba toà nhà tại khu ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng từ tháng 8/2019. Dự án này vốn được phê duyệt từ năm 2009 bằng nguồn vốn trung ương, gồm 6 toà nhà cao 19 tầng, một tầng hầm, dự kiến đáp ứng nhu cầu cho hơn 21.300 sinh viên. Đến nay, ba toà A1, A5, A6 đã hoàn thành, đáp ứng cho 10.800 học sinh, sinh viên. Riêng toà A2 và A3 đã xây xong phần thô, nhà A4 chưa triển khai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng các địa phương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất bổ sung khoảng 15 khu đất quy mô lớn để đầu tư dự án nhà xã hội độc lập với khoảng 2.000 căn mỗi khu. Trong đó, 2-3 khu cần quy hoạch gần các khu công nghiệp để xây dựng nhà xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, quá trình triển khai nhà ở xã hội hiện nay vẫn gặp nhiều vướng mắc. Tại talkshow “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, trước đây, việc thực hiện dự án nhà ở xã hội có nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung vào 5 yếu tố: quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường. Hiện nay, vấn đề thủ tục, đầu ra và vốn thì các quy định của pháp luật đã gần như “cởi trói” một cách rất mạnh cho hướng phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Đính “điểm nghẽn” trong thực hiện nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều như lãi suất. Đối với khách hàng mua nhà ở xã hội là những người ít có khả năng chi trả những chi phí vay bằng đồng lương. Trong khi đó, doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn đất.
Vị chuyên gia cho rằng: “Vấn đề ứng xử của chính quyền cần phải được đẩy mạnh hơn, nhất là chính quyền địa phương nơi các doanh nghiệp tiếp cận vẫn bị rào cản. Bên cạnh đó, những quy định, quy trình hướng dẫn thực hiện vẫn lúng túng nên đến lúc này thực trạng thực thi của luật tại một số địa phương vẫn còn khó khăn, vướng mắc”.
Còn Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, chương trình nhà ở xã hội hiện còn nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình – thủ tục và thực thi. Hiện nay mỗi địa phương thực hiện một kiểu, quy trình, thủ tục triển khai nhà ở xã hội còn phức tạp.
Trong khi đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng là một vướng mắc lớn. Nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu dưới hình thức các “gói hỗ trợ” ngắn và trung hạn, do đó chỉ mang tính thời điểm và không bền vững và gần như chưa có nguồn vốn hỗ trợ nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Bên cạnh đó, các vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, quỹ đất: có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là đến từ công tác quy hoạch, khi nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa chủ động dành những quỹ đất trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp cho xây dựng nhà ở xã hội, chưa có quy chuẩn nào về quỹ đất nhà ở xã hội…
Hơn nữa giới hạn về lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội ở mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích là mức lợi nhuận hấp dẫn.
“Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác khiến cho việc triển khai dự án nhà ở xã hội “rất khiêm tốn” đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra phức tạp, các dự án phải tuân thủ quy định khá phức tạp và nhiều trường hợp chưa thống nhất cách hiểu giữa các địa phương nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Lực phân tích.