Trả giá vì chữa bệnh theo trào lưu
Phát hiện mắc ung thư vú cách đây 2 năm, một người phụ nữ 58 tuổi (ở Phú Thọ) không điều trị mà về nhà đắp thuốc nam. Mới đây, ngực của bà biến dạng, lở loét, hoại tử… phải nhập viện cấp cứu.
Tự rút ngắn cuộc sống
Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, Trưởng Khoa hóa trị và Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết khi nhập viện, bệnh nhân đã suy kiệt, giai đoạn cuối, không còn hy vọng chữa khỏi. Bệnh nhân được điều trị triệu chứng để kéo dài thêm sự sống, bớt đau đớn.
Trước đó, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cũng tiếp nhận một nam thanh niên 20 tuổi nguy kịch, tiên lượng tử vong trên nền bệnh bị ung thư máu nhưng tự điều trị bằng cách úp bát giác hơi. Theo người nhà, bệnh nhân từng khám tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương với kết luận bị ung thư máu. Tuy nhiên, thay vì điều trị, bệnh nhân về quê và tự chữa bằng cách bôi và đắp thuốc lên bụng, sau đó úp bát giác hơi nóng kèm tiêm thuốc không rõ nguồn gốc. Trong quá trình này, cơ thể bắt đầu bị tổn thương dạng bỏng hơi, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe và sinh hoạt.
TS-BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng Khoa Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho gần 1.500 bệnh nhân ung thư. Trong đó, số lượng người bệnh từng hoặc đang sử dụng thuốc nam chiếm tới 30%. Đa phần là các loại thuốc nam trôi nổi trên thị trường hoặc dân gian truyền miệng, không rõ nguồn gốc.
Đơn cử, một nam bệnh nhân 46 tuổi được phát hiện ung thư gan giai đoạn sớm, bác sĩ đánh giá tiên lượng tốt, khả năng phục hồi khả quan, chỉ định phẫu thuật song gia đình từ chối do sợ “động dao kéo”. Bệnh nhân về nhà ăn chay và chữa bằng thuốc nam trong đó gồm xạ đen, đẳng sâm rừng, xương khỉ và một số thành phần khác; mỗi ngày đun khoảng 100g thuốc uống thay nước. Thầy lang yêu cầu người bệnh uống thay nước hằng ngày và khẳng định “bệnh sẽ thuyên giảm vì thuốc này giúp tăng cường khí huyết, tiêu diệt tế bào ung thư”. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, bệnh nhân đi khám, tế bào ung thư xâm lấn lan rộng, ung thư di căn đến phổi, tiên lượng rất xấu.
Theo bác sĩ Khiêm, có một số bệnh ung thư tiến triển rất chậm như ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, ung thư tiền liệt tuyến… nên triệu chứng không rõ ràng. Cơ thể không có nhiều thay đổi trong nhiều năm nên có thể trùng hợp khi người bệnh dùng thuốc nam chữa ung thư, dẫn đến hiểu lầm về hiệu quả. Hơn nữa, chi phí điều trị ung thư tốn kém cũng khiến không ít người nghe theo, tự uống thuốc nam thay các phương pháp chính thống.
BS chuyên khoa II Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại 1 – Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết Việt Nam chưa có thống kê bệnh nhân bỏ điều trị, song tỉ lệ người lựa chọn uống thuốc nam, ăn thực dưỡng thay vì điều trị theo chỉ định ngày càng tăng. Không ít trường hợp “tự rút ngắn cuộc sống” do đánh cược sinh mạng vào thầy lang, bài thuốc trên mạng. “Có bệnh nhân bị ung thư đại tràng đã lên bàn mổ, bất ngờ gia đình thay đổi quyết định, không cho phẫu thuật vì sợ “động dao kéo”, về nhà chữa thầy lang. Trong khi trước đó bác sĩ đã tư vấn rất kỹ cho bệnh nhân nếu phẫu thuật cắt u, nối đại tràng và hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư còn sót, người bệnh hoàn toàn có cơ hội chữa khỏi” – bác sĩ Nam nói.
Những quan niệm sai lầm
Các chuyên gia ung thư cảnh báo việc nhịn ăn nhiều ngày để chữa ung thư lan truyền thời gian qua là không có cơ sở khoa học bởi tế bào ung thư không sử dụng chất dinh dưỡng mà con người ăn vào để nuôi sống, mà nó sẽ tự nhân lên. Phải loại bỏ hoàn toàn suy nghĩ này. Bệnh nhân ung thư cần bồi dưỡng, ăn uống đủ chất, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Bởi lẽ mổ xẻ, tia xạ, hóa chất đều là những phương pháp điều trị rất nặng nề, cơ thể suy kiệt, đói thì không thể có sức khỏe theo đuổi điều trị.
GS-TS Lê Thị Hương, Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng – Bệnh viện K, cho biết có một thực trạng hiện nay là các bệnh nhân ung thư thường lựa chọn chế độ ăn kiêng khem một cách cực đoan, vì lo sợ rằng nếu nạp nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ “vỗ béo” tế bào ung thư và khiến bệnh tình phát triển nhanh hơn. Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng này được cổ xúy trên các trang mạng xã hội, đáng tiếc là không ít những kênh online bán thực phẩm ăn kiêng, đồ thực dưỡng đánh vào tâm lý này của người bệnh ung thư mà đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khoa học. “Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein… chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học. Với chế độ ăn khắc khổ thì không chỉ tế bào ung thư chết mà tế bào lành cũng chết. Kết cục là bệnh nhân chết vì suy kiệt vì thiếu sức đề kháng, thiếu năng lượng trước khi chết vì ung thư”- GS Hương cảnh báo.
Theo các chuyên gia, có thể một số khối u phụ thuộc vào nội tiết như u xơ tử cung, u xơ vú…, các thức ăn làm tăng nội tiết tố nữ có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, đây là những khối u lành, còn đối với ung thư tế bào sẽ tự nhân lên mà không phụ thuộc vào thức ăn. Từng bệnh ung thư có những yếu tố khác nhau, người bệnh nên gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn và thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
“Người bệnh ung thư không nên kiêng khem quá nghiêm ngặt. Dù ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng, giàu đạm, bổ sung các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng). Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút; không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo. Nếu không ăn được thức ăn thông thường có thể chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, xúp…)” – một chuyên gia dinh dưỡng khuyên.
Con số đáng lưu tâm
Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, trên thế giới, 2/3 số bệnh nhân khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn suy kiệt. Tình trạng lo lắng, bệnh tật đau đớn khiến người bệnh kém ăn, kém ngủ, thêm tinh thần khủng hoảng thì tình trạng sức khỏe càng tệ hại hơn. Ở Việt Nam, tỉ lệ này còn cao vì ngoài ảnh hưởng các yếu tố tâm lý, bệnh tật thì nhiều người sợ không dám ăn vì sợ tế bào ung thư phát triển. Trong khi đó, cơ thể suy kiệt sẽ không bảo đảm sức khỏe cho quá trình chữa trị. Với người bệnh ung thư, chỉ cần sụt 5% trọng lượng cũng làm cho tiên lượng sống xấu đi đáng kể do thể trạng yếu sẽ khó thích ứng với điều trị.