Y tế - Sức khỏe

Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ quân y hiến tặng ánh sáng của mẹ cho đời

Sáng sớm ngày 25-9, Ngân hàng Mô (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) nhận được điện thoại thông báo người con trai muốn thực hiện di nguyện của mẹ, hiến giác mạc để mang lại ánh sáng cho người bệnh mù lòa. Ngay sau khi tiếp nhận cuộc gọi, ê-kíp của Ngân hàng Mô lập tức tiến hành các công đoạn chuẩn bị cần thiết để thu nhận giác mạc trong thời gian sớm nhất.

Gửi lại nguồn sáng

Người hiến giác mạc là cụ bà 75 tuổi, qua đời lúc 5 giờ 18 phút ngày 25-9. Người gọi điện đến Ngân hàng Mô, bày tỏ muốn hiến giác mạc của mẹ là TS-BS Nguyễn Lê Trung, Phó Chủ nhiệm Khoa Mắt – Bệnh viện Quân y 103. Mẹ của bác sĩ Trung là đại úy L.T.H.M, nguyên nhân viên Khoa Dược tại Bệnh viện Quân y 103.

Bác sĩ Trung chia sẻ hiến giác mạc không chỉ là di nguyện mà còn là tinh thần sống mà cả đời mẹ ông luôn tâm niệm: “Một ngày làm nghề y, cả đời theo nghề y”. Với tinh thần ấy, bà M. đã dành cả cuộc đời cống hiến cho y học. Đến những phút giây cuối cùng, bà vẫn giữ trọn lời hứa ấy, để lại đôi giác mạc như món quà vô giá dành cho những bệnh nhân đang tìm lại ánh sáng.

Trong căn phòng yên tĩnh của nhà đại thể, quá trình thu nhận được tiến hành nhanh chóng, nhưng vẫn bảo đảm trang nghiêm, cẩn trọng và chuyên nghiệp. Trong suốt quá trình thu nhận, bác sĩ Trung lặng lẽ quan sát từ một góc phòng. Ông đứng đó, đôi mắt đượm buồn, dõi theo từng thao tác của các kỹ thuật viên. Khi ca thu nhận giác mạc đã thành công, bác sĩ Trung mới tiến đến, run run đặt tay lên mái đầu của mẹ, ôm bà rồi bật khóc…

Bác sĩ Nguyễn Lê Trung ôm mẹ trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Ảnh: MINH ĐỨC

Bác sĩ Nguyễn Lê Trung ôm mẹ trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Ảnh: MINH ĐỨC

Những nhân viên của Ngân hàng Mô, dù đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về sự hiến tặng nhưng khoảnh khắc chia tay của hai mẹ con bác sĩ khiến tất cả lặng người.

“Trong giây phút ấy, chúng tôi nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết rằng thứ được tặng lại không chỉ là một đôi giác mạc, mà còn là bao yêu thương vô hạn đã được gửi gắm trước khi cho đi” – một nhân viên Ngân hàng Mô chia sẻ.

Khi quá trình thu nhận kết thúc, đôi tay người con trai ấy, dù vẫn còn run run vì xúc động, vẫn cẩn thận và trang nghiêm ôm lấy chiếc hộp đựng giác mạc của mẹ, trao tận tay cho nhân viên Ngân hàng Mô để tiếp tục mang ánh sáng đến cho người không may.

“Thắp sáng” cho người phụ nữ mù lòa

Ngày 27-9, khi lễ tang bà L.T.H.M diễn ra cũng là lúc Ngân hàng Mô điều phối 1 giác mạc cho Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và 1 giác mạc còn lại cho Bệnh viện Quân y 103. Cũng trong ngày hôm đó, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã tiến hành phẫu thuật thành công ghép 1 giác mạc mà mẹ bác sĩ Trung hiến tặng cho một nữ bệnh nhân 65 tuổi.

Mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc, người phụ nữ 65 tuổi phải sống trong cảnh mù lòa từ 10 năm trước. Cơ hội tìm lại ánh sáng của bà đến một cách bất ngờ khi Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thông báo đã tìm được giác mạc hiến tặng phù hợp. Xuất viện vài ngày sau ca phẫu thuật bà vẫn ngỡ như mình đang mơ khi đã nhìn thấy cuộc sống muôn màu. Bà chia sẻ: “Vài tiếng sau ca phẫu thuật, bác sĩ bảo tôi mở mắt. Nhìn thấy mọi người trước mặt, tôi vỡ òa sung sướng vì hơn 10 năm tôi chỉ cảm nhận được ánh sáng và bóng tối mà không thấy hình người. Sau khi ghép và điều trị 4 ngày, độ nét tăng lên rõ rệt. Ngày tôi ra viện cũng là ngày đón sinh nhật lần thứ 65. Tôi như được sinh ra thêm lần nữa”.

Cần tinh thần “cho đi là còn mãi”

PGS-TS Hoàng Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho rằng nghĩa cử hiến tặng giác mạc của đại úy L.T.H.M không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân bị mù lòa, mà còn mang lại cho họ niềm yêu sống, có động lực vươn lên để sống có ý nghĩa. Điều đó không chỉ mang lại hy vọng cho những người cần ghép giác mạc mà còn lan tỏa thông điệp về ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc trong cộng đồng.

PGS Châu cho biết pháp luật quy định bất kỳ ai từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, tạng của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác. Đó là hành động nhân văn thể hiện trách nhiệm xã hội và lòng nhân ái. Để cuộc sống người bệnh hồi sinh, sự sống được nối dài, cần lắm tinh thần “cho đi là còn mãi” của cộng đồng.

“Cảm ơn tấm lòng hy sinh cao cả của đại úy L.T.H.M và cũng xin nghiêng mình trước sự kiên định, lòng hiếu thảo và tinh thần nhân văn vượt lên trên nỗi đau mất người thân cùng bác sĩ Trung. Nỗi mất mát của gia đình là không thể bù đắp nhưng đổi lại niềm hạnh phúc của sự cho đi cũng là vô bờ bến. Với nghĩa cử cao đẹp này, hai mẹ con bác sĩ Trung thực sự xứng đáng với danh hiệu “lương y như từ mẫu” – bà Châu bày tỏ. 

Bao nhiêu tuổi cũng có thể hiến giác mạc

Ở Tây Ban Nha, có đến hơn 50% số người hiến mô tạng ở độ tuổi trên 60. Thậm chí có những người hiến trên 80 tuổi.

Ở Việt Nam, có trẻ em mới chỉ 4 tuổi đã hiến giác mạc và người cao tuổi nhất là 107 tuổi vẫn hiến được giác mạc để đem ánh sáng cho người khác.

Giác mạc của người hiến tặng có thể lấy ở nhà, bệnh viện hay nhà xác. Giác mạc có thể thu nhận khi người hiến tặng đã qua đời trong khoảng thời gian từ 6-8 giờ.

Những cán bộ của Ngân hàng Mô thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào để thu nhận những món quà quý giá do người hiến và gia đình trao tặng.

Không ảnh hưởng diện mạo người hiến

Ghép giác mạc là phẫu thuật ghép có tỉ lệ thành công cao nhất trong ghép mô, vì giác mạc không có mạch máu. Quá trình ghép giác mạc không đòi hỏi cao về sự tương thích. Một người hiến tặng giác mạc sẽ giúp 2 bệnh nhân tìm lại được ánh sáng.

Năm 1824, kỹ thuật ghép giác mạc lần đầu tiên được thử nghiệm trên thỏ. Cuối thế kỷ XIX, các y bác sĩ chú ý đến nguồn giác mạc lành từ mắt tử thi. Sang thế kỷ XX, phẫu thuật ghép giác mạc có những tiến bộ vượt bậc và thực hiện phổ biến tại nhiều nước như Nga, Pháp, Tây Ban Nha…

Ở Việt Nam, phẫu thuật ghép giác mạc được thực hiện từ những năm 1950. Theo số liệu thống kê trong 16 năm qua (từ năm 2007 đến 2023), cả nước có trên 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời ở 20 tỉnh, thành trong cả nước. Đó vẫn là con số vô cùng khiêm tốn, vì theo thống kê, có đến 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.000 người mù mới. Như vậy, vẫn còn rất nhiều những đôi mắt mòn mỏi chờ ánh sáng.

Kỹ thuật viên của Ngân hàng Mô thu nhận giác mạc hiến tặng của bà L.T.H.M từ bác sĩ Nguyễn Lê Trung. Ảnh: MINH ĐỨC

Kỹ thuật viên của Ngân hàng Mô thu nhận giác mạc hiến tặng của bà L.T.H.M từ bác sĩ Nguyễn Lê Trung. Ảnh: MINH ĐỨC

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người vẫn còn e ngại việc hiến mô, tạng là do định kiến xã hội đã ăn sâu trong tiềm thức rằng “chết phải toàn thây”, cũng như e ngại đụng chạm vào thân thể người thân sau chết. Trong khi đó, theo các bác sĩ, việc hiến giác mạc không phải là hiến cả đôi mắt mà chỉ hiến lớp màng mỏng và khi lấy giác mạc ra không ảnh hưởng đến khuôn mặt người hiến.

Cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi": Bác sĩ quân y hiến tặng ánh sáng của mẹ cho đời- Ảnh 3.
Cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi": Bác sĩ quân y hiến tặng ánh sáng của mẹ cho đời- Ảnh 4.

 

Breaking News

Breaking News - Daily news updates on social issues, sports, law, technology, youth, education. Updates on storms, floods, natural disasters and hot social issues. View more: Breaking News Economy | Breaking News Technology | Breaking News Stock | Breaking News Education | Breaking News Real Estate

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button