Bão Yagi “cuốn trôi” lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm gấp rút đổi kế hoạch năm
Chi phí bồi thường gia tăng đột biến từ cơn bão Yagi đã đẩy lợi nhuận quý 3/2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm rơi vào tình trạng sụt giảm nghiêm trọng, buộc nhiều đơn vị phải cân nhắc điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024 dù quý 4 đã dần kết thúc.
ĐỒNG LOẠT ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH KINH DOANH Ở “PHÚT 89”
Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC – mã chứng khoán: ABI) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024, điều chỉnh mục tiêu chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030 và thông qua phương án chi trả cổ tức còn lại năm 2023.
Công ty cho biết, tổn thất từ siêu bão Yagi, sự thay đổi những chính sách pháp lý và khủng hoảng dư luận về ngành bảo hiểm trước đó đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ABIC, dẫn đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận kế hoạch 2024 sẽ rất khó khăn.
Do đó, Hội đồng quản trị ABIC trình cổ đông thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2024 từ 2.634 tỷ đồng xuống 2.400 tỷ đồng (giảm 9,8%). Đồng thời, giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ tối thiểu 320 tỷ đồng xuống 226 tỷ đồng, tương đương giảm 29%; đưa tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) về tối thiểu 11,8% (giảm 3,2% so với kế hoạch ban đầu).
Liên quan đến mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021-2025, ABIC thông tin đến hết tháng 10/2024, hầu hết các chỉ tiêu đã hoàn thành sớm mục tiêu chiến lược. Duy nhất, chỉ tiêu doanh thu kinh doanh bảo hiểm chưa bám sát mục tiêu do nhiều yếu tố khách quan tác động.
Theo đó, ABIC dự kiến đến hết năm 2024 doanh thu kinh doanh bảo hiểm ước đạt 2.400 tỷ đồng, đạt 72,7% mục tiêu đến năm 2025 của đề án chiến lược. Hội đồng quản trị cũng xin ý kiến cổ đông điều chỉnh mục tiêu doanh thu kinh doanh bảo hiểm đến năm 2025 đạt tối thiểu 2.650 tỷ đồng (giảm 650 tỷ đồng, tương đương giảm 19,7%).
Cùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (mã chứng khoán: BIC) cũng công bố nghị quyết điều chỉnh kế hoạch doanh thu cả năm 2024. Theo đó, doanh thu phí bảo hiểm BIC trong 8 tháng chỉ ở mức 3.366 tỷ đồng, thực hiện 60,4% mục tiêu. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc là 3.269 tỷ đồng, thực hiện 60% kế hoạch.
Do đó, Hội đồng quản trị BIC đã phê duyệt điều chỉnh kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2024 từ 5.570 tỷ đồng xuống 5.172 tỷ đồng (giảm 7,1%). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm từ 5.450 tỷ đồng xuống 5.052 tỷ đồng (giảm 7,3%); doanh thu phí nhận tái giữ nguyên ở mức 120 tỷ đồng.
Trước đó, Hội đồng quản trị Bảo Minh đã ban hành quyết nghị thống nhất với đề xuất của Ban điều hành về việc điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Theo đó, điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 từ 377 tỷ đồng xuống 268 tỷ đồng (giảm 29%). Đồng thời, đưa tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) về tối thiểu 7% (giảm 3% so với kế hoạch ban đầu); hạ tỷ lệ chia cổ tức dự kiến từ tối thiểu 10% về tối thiểu 7%.
Theo Ban lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh, nguyên nhân điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận cả năm là do lợi nhuận ròng quý 3/2024 giảm mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 51 tỷ đồng. Nhiều khách hàng của công ty bị thiệt hại bởi bão Yagi, dẫn đến chi phí dự phòng bồi thường trong kỳ tăng đột biến, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận quý 3 vừa qua.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Bảo hiểm Bảo Minh đạt gần 195 tỷ đồng lãi ròng, giảm 23% so với cùng kỳ. So với kế hoạch ban đầu, Công ty mới thực hiện được 58% mục tiêu lợi nhuận cả năm, còn so với kế hoạch điều chỉnh thì thực hiện được 82%.
Bảo Minh dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 tại trụ sở chính vào ngày 27/12, nhằm thông qua tờ trình điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu về kế hoạch kinh doanh năm 2024. Ngày đăng ký cuối cùng là 28/11/2024.
Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiếm hoi báo lãi cao trong quý 3/2024, đạt 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu đạt 8.854 tỷ đồng, tăng 3,3%.
Theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, có được kết quả này là nhờ chính sách khai thác bán hàng tập trung vào hiệu quả, mà không chạy theo doanh thu và số tiền bồi thường do bão Yagi không cao như các doanh nghiệp khác.
Dù vậy, Bảo hiểm Bảo Việt vẫn để ngỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024 do còn chờ kết quả của quý 4. Một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác cũng cho biết đang xem xét điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận năm nay do tác động của bão Yagi.
BÃO YAGI “CUỐN TRÔI” LỢI NHUẬN NGÀNH BẢO HIỂM
Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.027 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, nhưng lợi nhuận của ngành lại khó duy trì đà tăng tương ứng do thiệt hại từ bão Yagi vẫn chưa được thống kê đầy đủ.
Theo chuyên gia từ FiinGroup, thiên tai là một trong những rủi ro nghiêm trọng nhất mà các công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải đối mặt. Bão Yagi gây thiệt hại lớn về tài sản, khiến chi phí bồi thường bảo hiểm tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, thậm chí đẩy một số công ty vào tình trạng thua lỗ.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý 3/2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, 7/9 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí bồi thường tăng cao do cơn bão Yagi.
Cụ thể, BIC ghi nhận lợi nhuận quý 3/2024 đạt 82 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ còn 73,1 tỷ đồng, giảm 57% so với quý 3/2023, do chi phí bồi thường tăng vọt lên 294 tỷ đồng, gần gấp đôi năm trước.
Bảo hiểm Quân đội (MIC – mã chứng khoán: MIG) báo cáo lợi nhuận giảm 42% so với cùng kỳ, đạt 31 tỷ đồng. Trong khi đó, Bảo hiểm Petrolimex – PJICO (mã chứng khoán: PGI) có mức sụt giảm nhẹ hơn, đạt 48 tỷ đồng lợi nhuận.
Một số doanh nghiệp thậm chí rơi vào cảnh thua lỗ. Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH – mã chứng khoán: BSI) và Bảo hiểm Hàng không (VNI) lần lượt ghi nhận lỗ ròng 57 tỷ đồng và 44 tỷ đồng trong quý 3/2024. VNI cho biết, thiệt hại chủ yếu đến từ chi phí bồi thường liên quan đến bão Yagi, với tổng số tiền tạm ứng bồi thường đã lên tới khoảng 100 tỷ đồng.
Tương tự, Bảo hiểm VietinBank và Bảo hiểm PVI cũng đã tạm ứng mỗi công ty khoảng 100 tỷ đồng để bồi thường cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Các khoản chi trả bồi thường này đang tạo áp lực lớn lên lợi nhuận của toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ.
Liên quan tới bồi thường thiệt hại do bão lũ, thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, tính đến ngày 31/10/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường hơn 434,4 tỷ đồng cho các khách hàng.
Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm A.M. Best, tuy tỷ lệ an toàn vốn vẫn được đảm bảo, nhưng tổn thất bảo hiểm do bão Yagi gây ra có thể khiến lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam sụt giảm so với năm 2023, song song đó là có thể ảnh hưởng đến các kỳ tái bảo hiểm sau đó do các điều khoản và điều kiện tái bảo hiểm sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn.