Các bệnh viện tuyến trên luôn túc trực, cấp cứu các ca tai nạn bão, lũ
Các bệnh viện tuyến trên luôn túc trực, cấp cứu các ca tai nạn bão, lũ
Sau bão, bệnh viện tiếp nhận chủ yếu là các nạn nhân ở Hà Nội và các ca nặng cấp cứu từ các tỉnh chuyển lên. Nhiều bệnh viện tuyến dưới bị quá tải đã liên hệ lên tuyến trên để được hỗ trợ nhưng có những khó khăn về giao thông, bệnh viện đã thực hiện hội chẩn từ xa.
Anh Đ.V.K (huyện Bắc Yên, Sơn La) đến Bệnh viện Việt Đức điều trị trong tình trạng gãy xương nhỏ ở khớp gối.
Theo anh Đ.V.K chia sẻ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), tỉnh Sơn La có mưa to. Trong lúc đi đường, đá sạt từ trên núi lăn xuống khiến anh K. “trở tay không kịp”.
“Tôi điều khiển xe máy tránh hòn đá nhưng khi tránh được rồi thì bánh xe lại mắc vào rãnh trên đường, khiến người và xe bổ nhào. Xe máy nặng đè lên chân khiến chân tôi bị thương. Cũng may nhờ những nhà xung quanh hỗ trợ đưa đi viện và xuống Bệnh viện Việt Đức điều trị kịp thời nên được các bác sĩ kịp thời xử lý vết thương”, anh K. cho biết.
Theo TS.BS Quách Văn Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân K. là 1 trong số hơn 100 ca cấp cứu liên quan đến tai nạn do bão số 3 gây ra. Trong số này, có trên 50% là bệnh nhân nặng, đa phần là nạn nhân bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, chấn thương đốt sống cổ, ngực, chi…
“Sau bão, bệnh viện tiếp nhận chủ yếu là các nạn nhân ở Hà Nội và các ca nặng cấp cứu từ các tỉnh chuyển lên. Nhiều bệnh viện tuyến dưới bị quá tải đã liên hệ lên tuyến trên để được hỗ trợ nhưng có những khó khăn về giao thông, đi lại nên mới chỉ có khoảng 100 ca được vận chuyển lên sau bão”, bác sĩ Kiên cho biết.
Trong số các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, nặng nhất là nạn nhân bị chấn thương sọ não do gặp tai nạn trong khi sửa nhà sau bão, nạn nhân này trèo lên mái nhà và bị trượt mái tôn. Có nhiều trường hợp cũng gặp tai nạn như nạn nhân đang cưa cây thì lưỡi máy cưa văng vào chân gây chấn thương…
Về việc đáp ứng điều trị cấp cứu nạn nhân do bão, BS. Quách Văn Kiên cho biết: “Trước khi bão đổ bộ, chúng tôi đã chủ động có sự chuẩn bị về phòng khám, rà soát lại toàn bộ hệ thống cấp cứu về vật tư y tế, cơ sở vật chất. Bệnh viện cũng chủ động thành lập 8 tổ cấp cứu lưu động luôn luôn túc trực ứng phó với các tình huống; kể cả cấp cứu ngoại viện cũng luôn sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương”.
Theo đó, với những ca ở các địa phương không thể chuyển lên tuyến trên do bão lụt, bệnh viện đã chủ động liên hệ với các tuyến tỉnh để hỗ trợ chuyên môn từ xa, hội chẩn trực tuyến để hướng dẫn tuyến dưới xử trí các trường hợp.
Để đáp ứng tình hình, Bệnh viện Việt Đức cũng đã thành lập mạng lưới hội chẩn từ xa để ứng phó cấp cứu sau bão, kết nối với các bệnh viện như: Sơn La, Điện Biên, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Hải Phòng…
Cần chú ý rắn độc và các động vật gây độc khác cắn
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết: “Sau bão, trung tâm đang điều trị cho 9 bệnh nhân bị rắn độc và các động vật gây độc khác cắn. Các bệnh nhân bị rắn cắn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưn đa số là do người dân bị cắn/đốt khi ra ngoài kiểm tra sân vườn, ruộng trong và sau bão, tiếp xúc với các các bờ cây, bụi cỏ, đống rác hay lá cây, điều kiện quan sát hạn chế. Cá biệt có trường hợp rắn độc chui vào nhà cắn khi bệnh nhân đang ngủ.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, thời điểm mưa, bão kết hợp thời tiết không lạnh, ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để các loài rắn, côn trùng… ra khỏi nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn. Bên cạnh đó, hiện môi trường sống tự nhiên của động vật bị phá vỡ và thu hẹp lại, nhiều loài rắn như rắn hổ, rắn lục và các động vật gây hại buộc phải tới sống xen kẽ với khu vực dân cư. Như vậy, rất dễ xảy ra tiếp xúc với con người và các tai nạn đáng tiếc.
Hậu quả với các trường hợp bị rắn độc cắn là tổn thương vùng bị cắn như: Đau, sưng nề, hoại tử, nhiễm trùng, dễ dẫn tới sẹo, tàn phế, thậm chí tử vong. Các loài rắn như rắn cạp nong, cạp nia, rắn hổ chúa, rắn hổ mang có thể gây liệt dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Các loài rắn lục gây rối loạn đông máu, cầm máu dẫn tới chảy máu…
Để phòng tránh nhiễm độc do rắn và các động vật có độc trong mùa mưa bão, BS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân luôn chú ý quan sát khi tiếp xúc các vị trí các góc khuất, đống rác, đống lá cây, bụi cây, đống gạch, khe hốc, hang… nơi hay có rắn và động vật có độc cư trú. Chú ý dùng gậy, dùng đèn chiếu sáng để đi lại và làm việc. Không dùng tay trần để đưa tay vào các khu vực nêu trên vì rất dễ gặp rắn và động vật đang ở đó tấn công. Khi lao động, đi lại ban đêm thì nên mang ủng, đeo găng tay, đội mũ nếu ở rừng.
Người dân ở vùng nông thôn, rừng núi cũng nên đóng cửa kín ở tầng 1, đặc biệt ở vị trí gần mặt đất để tránh rắn chui qua khe vào nhà. Đặc biệt, khi thấy rắn, người dân không nên chủ động bắt rắn mà cần đuổi đi hoặc bất đắc dĩ mới đánh rắn; từng có trường hợp bị rắn cắn do chủ động bắt rắn, kể cả khi rắn có vẻ đã chết cũng vẫn có thể cắn người.
Nguồn VOV:https://vov.vn/xa-hoi/cac-benh-vien-tuyen-tren-luon-tuc-truc-cap-cuu-cac-ca-tai-nan-bao-lu-post1120309.vov