Căn bệnh ung thư nào gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam?
Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, số ca ung thư mắc mới ở nam giới là hơn 95.300 ca, trong đó 3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày; nữ giới có 85.100 ca mắc mới, phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, trực tràng.
77% số ca mắc ung gan ở nam giới
Khoảng 71.300 người tử vong do ung thư là nam giới, với 3 loại ung thư có số ca tử vong cao nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày. Ở nữ giới, số ca tử vong là khoảng 48.800 ca, phổ biến nhất là vú, phổi, gan.
PGS-TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K, cho biết Việt Nam có tỉ suất mới mắc cao thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 20/47 quốc gia châu Á.
Hiện ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi là bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.500 ca, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư (theo Globocan, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan.
77% số ca ung thư gan ở nước ta là nam giới. Ung thư gan cũng là loại ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư.
Các triệu chứng của ung thư gan thường không điển hình và dễ bị bỏ qua, vì vậy đa phần người bệnh tới khám, phát hiện bệnh và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn, khó khăn cho việc chữa trị và gây tốn kém về kinh phí điều trị. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tầm soát bệnh.
Ai cần tầm soát bệnh?
Ở giai đoạn sớm của ung thư gan có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như: Chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; vàng da, củng mạc mắt…
Nhóm đối tượng nguy cơ nên sàng lọc bệnh sớm (6 tháng/lần) gồm: Người mắc bệnh viêm gan virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ hoặc trong gia đình có người mắc ung thư gan. Nếu không may mắc viêm gan B, C thể hoạt động cần điều trị sớm để tránh biến chứng.
Với bệnh viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như đái tháo đường tuýp 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ… cần điều trị các bệnh tự miễn để tránh biến chứng cho gan.
Ngoài ra, người thường xuyên ăn các thực phẩm tươi sống có nguy cơ nhiễm sán (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ…), trong đó có những loại sán khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy gan, gây ung thư gan.
Các bác sĩ khuyến cáo những người béo phì, tiểu đường và uống nhiều đồ uống có cồn nên tầm soát ung thư gan. Bởi đường máu và mỡ máu cao, sẽ được tích tụ tại gan, dẫn đến tổn thương thoái hóa tế bào gan và dẫn tới xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức, do vậy việc lựa chọn phác đồ điều trị ung thư gan thích hợp phải phụ thuộc vào tổn thương và tình trạng xơ của gan. Các phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến bao gồm: Phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ, nút hóa chất động mạch gan, xạ trị, hóa trị hay điều trị nhắm trúng đích…
Việt Nam hiện có 11 bệnh viện chuyên ung bướu tại 9 tỉnh/thành phố; 23 trung tâm, viện ung bướu tại 13 tỉnh/thành phố, 78 khoa ung bướu tại 61 tỉnh/thành phố. Còn 2 tỉnh thành chưa có đơn vị chuyên khoa ung bướu là Tây Ninh và Bình Phước.