Chỉ 10,24% người làm công tác xã hội trong bệnh viện được đào tạo chính quy
Đây là thông tin được PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Y tế, cho biết tại hội nghị tổng kết thực hiện Thông tư 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức công tác xã hội tại các bệnh viện khu vực phía Nam.
Tại hội nghị, PGS Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức y tế cho đội ngũ công tác xã hội. Hiện cả nước có khoảng 9.361 người làm công tác xã hội chuyên nghiệp nhưng chỉ 10,24%được đào tạo chính quy, trong khi 64% là nhân viên y tế, không được đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của đội ngũ này, đặc biệt trong việc hỗ trợ bệnh nhân.
Theo TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, hội nghị này nhằm đánh giá kết quả công tác xã hội trong ngành y tế và xin ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Thông tư 43, với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác xã hội trong tương lai.
Cũng tại hội nghị, TS Đức chia sẻ về sự phát triển của công tác xã hội trong bệnh viện trong 9 năm qua. Ông nhấn mạnh công tác xã hội trong ngành y tế đã có bước tiến mạnh mẽ, trở thành một phần quan trọng trong hệ thống y tế. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43, đặt nền móng cho công tác xã hội, giúp bệnh nhân nghèo và gia đình khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM là một điển hình trong công tác xã hội. Bệnh viện này đã chi hàng chục tỷ đồng mỗi năm để cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua khó khăn. Công tác xã hội không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất mà còn bao gồm tư vấn tâm lý, hỗ trợ thủ tục hành chính, và giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Trong tương lai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phát triển công tác xã hội, đặc biệt là chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ công tác xã hội. Từ năm 2027, đội ngũ này sẽ yêu cầu có chứng chỉ hành nghề, và việc đào tạo cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ để đảm bảo mỗi cán bộ công tác xã hội đều có đủ năng lực và kiến thức để thực hiện nhiệm vụ.