Điểm mặt loạt cổ phiếu chứng khoán “rớt giá không phanh”, chạm đáy một năm
Sau cú sụt giảm mạnh trong năm 2022, thị trường chứng khoán đã từng bước phục hồi từ cuối năm đó và duy trì đà tăng trưởng sang năm 2023. Là lĩnh vực nhạy cảm nhất với biến động thị trường, ngành chứng khoán nhanh chóng ghi nhận sự hồi phục của nhiều cổ phiếu.
Đà tăng của nhóm này tiếp tục kéo dài qua đầu năm 2024, khi thanh khoản và diễn biến thị trường chung đồng loạt khởi sắc. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 11, thị trường rơi vào trạng thái đi ngang, với thanh khoản giảm đáng kể. Sự phân hóa không chỉ diễn ra rõ rệt giữa các nhóm ngành mà còn thể hiện trong nội bộ ngành chứng khoán.
THỊ TRƯỜNG ẢM ĐẠM, CỔ PHIẾU CHỨNG KHOÁN RƠI VỀ ĐÁY NĂM
Trong giai đoạn này, hiếm có cổ phiếu ngành chứng khoán ghi nhận đà tăng, ngoại trừ một số cái tên như MBS hay BVS. Ngược lại, xu hướng giảm chiếm ưu thế, bao gồm cả các mã vốn hóa lớn như SSI, VND, VCI.
Đến đầu tháng 12, nhiều cổ phiếu đã trượt về vùng đáy thấp nhất trong một năm đến một năm rưỡi, điển hình là VND, SHS, TCI và ABW, phản ánh áp lực lớn đang đè nặng lên nhóm ngành này.
Điển hình như cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect đã duy trì xu hướng giảm kéo dài từ tháng 4/2024 đến nay mà không ghi nhận bất kỳ nhịp hồi phục đáng kể nào. Đầu tháng 12, thị giá có thời điểm giảm sâu xuống vùng 13.000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh), mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023, đánh dấu đáy của hơn một năm rưỡi.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của VNDirect trong ba quý đầu năm đều thấp hơn so với quý 4/2023. Riêng trong quý 3, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động 1.270 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức thấp nhất trong 5 quý. Lợi nhuận sau thuế đạt 606 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và chỉ cao hơn quý 2 trước đó (345 tỷ đồng).
Mảng môi giới của VNDirect cũng gặp khó khăn. Doanh thu môi giới quý 2 và 3/2024 đều dưới 200 tỷ đồng, giảm sút rõ rệt so với ba quý trước đó, khi doanh thu đều vượt mức 200 tỷ đồng. Điều này phần nào chịu ảnh hưởng từ sự cố tấn công hệ thống vào tháng 3/2024, khiến lòng tin của khách hàng và nhà đầu tư bị tác động. Mặc dù hệ thống đã phục hồi từ tháng 4 nhưng thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ của VNDirect trên sàn HOSE trong quý 3 chỉ đạt 5,7%, mức thấp nhất trong 20 quý, đưa công ty xuống vị trí thứ 6 trên thị trường.
Ở mảng tự doanh, VNDirect đang đối mặt với thách thức từ danh mục đầu tư trái phiếu, đặc biệt là khoản đầu tư liên quan đến Trung Nam Group – tập đoàn năng lượng lớn nhưng đang gặp khó khăn tài chính. Tại cuối tháng 9, danh mục trái phiếu của công ty đạt giá trị khoảng 13.100 tỷ đồng, trong đó VNDirect đã phải trích lập dự phòng hơn 55 tỷ đồng cho khoản trái phiếu của Trung Nam.
Những khó khăn về hoạt động môi giới, đầu tư tự doanh cùng áp lực thị trường chung đã khiến triển vọng của VNDirect trở nên mờ mịt hơn trong ngắn hạn.
Tương tự VND, cổ phiếu của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHS) đã giảm mạnh, lùi về vùng 13.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 12 – mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.
Kết quả kinh doanh của SHS trong quý 3 cũng ảm đạm, khi doanh thu hoạt động giảm đến 50% so với cùng kỳ, chỉ còn 276 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh, đạt 68 tỷ đồng – tương đương khoảng 1/5 so với quý 1 và quý 2.
Điểm khác biệt của SHS nằm ở việc công ty ưu tiên đầu tư cổ phiếu thay vì trái phiếu. Đến cuối tháng 9, tỷ trọng cổ phiếu chiếm 55% danh mục tự doanh, với các mã lớn như FRT, FPT, MWG, VPB, SHB, TCD. Mặc dù thị trường chưa mấy khả quan, phần lớn các khoản đầu tư này vẫn cao hơn giá gốc. Tuy vậy, lãi từ tài sản tài chính trong quý 3 chỉ đạt gần 62 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý 1 và 2. Tổng lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 74 tỷ đồng, nhờ khoản lợi nhuận thực hiện 308 tỷ đồng, nhưng bị bào mòn bởi lỗ chưa thực hiện (âm 234 tỷ đồng).
Các cổ phiếu như Everest Securities (EVS) và SBS còn lao sâu hơn. Đầu tháng 12, thị giá cả hai mã này đã chạm mức thấp nhất trong hai năm, giảm tới 50% từ đỉnh gần nhất hồi tháng 9/2023, trở lại vùng giá cuối năm 2022 – gần với đáy khi VN-Index rơi về 900 điểm.
Cổ phiếu SBS chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình kinh doanh tiêu cực. Công ty đã lỗ liên tiếp 4 quý từ quý 4/2023 đến quý 3/2024, với lỗ lũy kế chưa phân phối vượt 1.400 tỷ đồng. SBS lý giải rằng thị trường biến động phức tạp khiến doanh thu giảm mạnh, trong khi công ty phải trích lập dự phòng lớn cho mảng tự doanh.
Với EVS, công ty báo lỗ 28 tỷ đồng trong quý 3 – quý đầu tiên trong 6 quý gần nhất ghi nhận kết quả âm. Nguyên nhân chính đến từ việc giá cổ phiếu đầu tư giảm, làm tăng chi phí đánh giá lại danh mục, đồng thời doanh thu tự doanh sụt giảm đáng kể.
Xu hướng giảm sâu của các cổ phiếu ngành chứng khoán, đặc biệt là các trường hợp như SBS và EVS, cho thấy thách thức lớn mà ngành đang phải đối mặt trong bối cảnh thị trường thiếu động lực phục hồi.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN SẼ “CHUYỂN MÌNH” SAU KHI NÂNG HẠNG
Như đã nêu, diễn biến thị trường chứng khoán có tác động sâu rộng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty chứng khoán, đồng thời định hình triển vọng đối với cổ phiếu ngành này. Khi thị trường khởi sắc, các hoạt động môi giới, tự doanh và tư vấn tài chính đều hưởng lợi, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho doanh thu và lợi nhuận.
Ngược lại, trong giai đoạn thị trường điều chỉnh hoặc thanh khoản giảm, các công ty chứng khoán không chỉ đối mặt với áp lực giảm doanh thu mà còn phải trích lập dự phòng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận và giá cổ phiếu.
Điều này phản ánh rõ rệt trong xu hướng gần đây, khi nhiều cổ phiếu chứng khoán lao dốc về mức thấp nhất trong năm hoặc hơn. Việc phụ thuộc chặt chẽ vào biến động của thị trường khiến ngành chứng khoán tiếp tục đối diện những thách thức lớn, đòi hỏi các công ty phải linh hoạt hơn trong chiến lược hoạt động để duy trì vị thế và sức hút trên thị trường.
Trong bức thư gửi nhà đầu tư vào tháng 11, ông Petri Deryng, nhà điều hành Pyn Elite Fund, bày tỏ quan điểm lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông, nền kinh tế nội địa đang phát đi nhiều tín hiệu tích cực, và phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đều có hoạt động kinh doanh tập trung trong nước, ít chịu ảnh hưởng từ những biến động bên ngoài.
Ông Deryng nhận định rằng dù các chính sách thuế tiềm năng của tân Tổng thống Donald Trump có thể gây bất lợi cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thuộc khối FDI tại Việt Nam, đây không phải là mối lo ngại lớn đối với thị trường chứng khoán nội địa, vì các doanh nghiệp này không niêm yết trên sàn.
Dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam có thể đạt khoảng 20% trong năm 2024 và duy trì ở mức tương tự vào năm 2025. Cùng với đó, mức định giá hiện tại của thị trường sau các đợt điều chỉnh được xem là khá hấp dẫn, với tỷ lệ P/E dự phóng cho năm 2025 chỉ khoảng 10 lần. Đây là cơ hội lớn để thu hút nhà đầu tư, khi các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn vững vàng.
Cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán tại Kỳ họp thứ 8, khóa XV, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc cải thiện tính minh bạch, hiệu quả phát hành và chào bán chứng khoán. Mục tiêu chính là ngăn chặn các hành vi gian lận, tạo nền tảng thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trước đó, từ ngày 2/11, Thông tư số 68 của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thực hiện giao dịch mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền tại thời điểm đặt lệnh (Non-Prefunding).
Theo bà Tạ Thanh Bình, Tổng Giám đốc VSDC, những ngày đầu triển khai Non-Prefunding đã diễn ra thuận lợi, với tỷ lệ đặt lệnh của nhà đầu tư ngoại qua một ngân hàng lưu ký lớn đạt 60%.
Bên cạnh việc triển khai kỹ thuật, kỳ vọng vào tháng 3/2025, FTSE Russell sẽ có đánh giá tích cực và thị trường Việt Nam chính thức được nâng hạng lên mới nổi vào tháng 9/2025.
Một khi thị trường nâng hạng sẽ thu hút dòng vốn hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư trên thế giới, cũng như kích hoạt dòng tiền trong nước tham gia mạnh hơn. Một báo cáo phân tích cho thấy từ diễn biến nâng hạng của một số thị trường khác trước đây, thị trường chứng khoán thường diễn biến tích cực trong khoảng 6-12 tháng trước thời điểm chính thức được nâng hạng.