Du lịch nông nghiệp, nông thôn hút khách quốc tế, vì sao?
Du lịch nông nghiệp, nông thôn hút khách quốc tế, vì sao?
VOV.VN – Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi, đó là: Luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn
Chiều nay (10/12), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tại tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, bộ vừa triển khai Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2025, nhận được nhiều đóng góp của các địa phương trong cả nước, tạo sự thống nhất, cùng phát triển du lịch để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn có dư địa rất lớn. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, có khả năng thu hút du khách, tạo sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong 11 tháng của năm 2024, du lịch Việt Nam đã phục vụ hơn 100 triệu lượt khách nội địa và đón 15,8 triệu lượt khách quốc tế. Ngành du lịch đang nỗ lực cán mốc đón 18 triệu lượt khách quốc tế, vượt thời điểm năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong quá trình phát triển, du lịch Việt Nam dựa trên mối quan hệ cộng đồng làng, xã với đất nước.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để phát triển một cách bền vững thì phải bắt đầu từ văn hóa bản địa, giữ cho được bản sắc văn hóa từng làng. Từ đó hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch của làng nghề truyền thống du lịch ẩm thực.
“Chính nét bình dị của những người nông dân một nắng, hai sương, lam lũ… đã làm lay động tình cảm của du khách quốc tế, khiến du khách để muốn được trải nghiệm, muốn được khám phá những vẻ đẹp chân chất, chất phác của con người Việt Nam thân thiện, hiền hòa và mến khách. Đó chính là chiều sâu văn hóa, mong muốn được kết nối, đoàn kết, hợp tác với các quốc gia để cùng phát triển. Vì vậy, mà sản phẩm du lịch nông thôn đã thu hút được rất nhiều khách quốc tế đến thăm”- ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm.
Ông I Wayan Budiarta, Trưởng làng Penglipuran, làng du lịch tốt nhất thế giới của Indonesia năm 2023 chia sẻ, ở Indonesia có tới 18.000 làng rải rác ở các hòn đảo. Làm sao để phát triển du lịch, đưa khách về tham quan, giúp người dân địa phương có thu nhập ngoài làm nông nghiệp là câu chuyện đặt ra với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp làm du lịch.
Theo ông I Wayan Budiarta, sự liên kết, hợp tác giữa người nông dân tại làng Penglipuran với các doanh nghiệp làng du lịch là chìa khoá thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
“Ở Penglipuran, mỗi đứa trẻ đi học đều được giáo dục về truyền thống văn hóa. Mỗi công dân đủ 18 tuổi trở lên được tham gia vào các tổ chức của riêng làng. Khi lập gia đình, mỗi người lại có một tổ chức khác phù hợp với khả năng riêng của mình như ai giỏi đan lát thì làm đan lát, ai thêu giỏi thì cũng đứng trong nhóm riêng… Mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên ý kiến cộng đồng, trưởng làng là người thay mặt tập thể để công nhận. Nhờ đó, từ một ngôi làng nghèo nàn, tới nay Penglipuran mỗi ngày thu hút tới 2.000 khách du lịch, là nơi người dân có thu nhập cao nhất ở vùng Bali”- ông I Wayan Budiarta cho biết.
Phát biểu tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của các quốc gia. Hầu hết các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững, trong đó, du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển.
Hiện nay, Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc đang mở rộng triển khai “Chương trình Du lịch vì sự Phát triển nông thôn”. Điều này rất phù hợp chiến lược phát triển và những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Một trong những định hướng quan trọng đó là “phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương”.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi, đó là: Luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn.
“Cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công – tư trong phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương. Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”; “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”;“mỗi địa phương – một sản phẩm du lịch đặc sắc”- Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) trao chứng nhận Làng du lịch tốt nhất năm 2024” đối với Làng rau Trà Quế tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đến nay, UN Tourism đã xây dựng Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất gồm 354 thành viên.
Việt Nam đã có 3 làng được công nhận là Làng Du lịch Tốt nhất của UN Tourism gồm: Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên); Làng Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình) và Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam).