Gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng
Gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành Chỉ thị 28/ CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và các loại vật liệu khác. Trong đó, Chính phủ yêu cầu phát triển ngành vật liệu xây dựng (VLXD) bảo đảm hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm VLXD có giá trị kinh tế cao.
Sản lượng, doanh số giảm sâu
Theo Bộ Xây dựng, cả năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng và doanh số bán ra của các sản phẩm VLXD tiếp tục giảm sâu. Trong đó, ngành xi măng có tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn trên tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm, dẫn đến 42/92 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất từ 1-6 tháng, một số dây chuyền phải dừng cả năm. Tình hình này vẫn tiếp diễn từ đầu năm 2024 đến nay, khi các nhà máy xi măng chỉ đạt khoảng 70%-75% tổng công suất thiết kế. Trong khi đó, tồn kho xi măng lũy kế hiện đã lên tới hơn 5 triệu tấn.
Ở lĩnh vực kính xây dựng, hiện tổng năng lực sản xuất toàn ngành đạt 5.900 tấn/ngày, tương đương 331 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm. Thế nhưng, từ năm 2023 đến nay, đã có 3 dây chuyền phải dừng sản xuất trên 6 tháng; 1 dự án dừng triển khai; tiêu thụ sản phẩm kính giảm 33% so với năm 2020. Tình hình cũng tương tự ở lĩnh vực sứ, gạch men khi sản lượng tiêu thụ đều giảm từ 35%-40%…
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ngành VLXD trong nước bị ảnh hưởng do thị trường bất động sản suy giảm, tốc độ đầu tư xây dựng giảm sút, nhiều công trình, dự án hạ tầng và nhà ở chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ. Bên cạnh đó, chi phí cước vận tải tăng làm tăng giá bán VLXD, cộng thêm thị trường nhập ngoại tăng tác động đến thị trường.
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, cho biết, tổng giá trị doanh thu hàng năm của ngành VLXD (chưa bao gồm thép xây dựng) ước đạt khoảng 600.000 tỷ đồng (tương đương hơn 24 tỷ USD), chiếm gần 6% GDP quốc gia, có đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành VLXD gặp nhiều khó khăn dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tình hình khó khăn dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp trong ngành đang gánh những khoản nợ lớn, với lãi suất vay ngân hàng ngày càng tăng, nhất là với các doanh nghiệp xi măng. Điều này dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc xoay vòng vốn, thậm chí nguy cơ rơi vào tình trạng nợ xấu.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Bộ Xây dựng cho biết, hiện nhu cầu sử dụng VLXD trong nước vẫn còn rất lớn, vì diện tích nhà ở toàn quốc vẫn còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 43%; hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng cũng chưa hoàn thiện. Trong khi đó, mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa quốc gia đến năm 2050 là 70%-75%, diện tích sàn xây dựng hàng năm cần tăng tối thiểu hơn 20 triệu m2. Đơn cử, theo tính toán của các chuyên gia, để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, mỗi năm cần xây dựng 150.000 căn nhà ở xã hội, nhu cầu tiêu thụ 4 triệu tấn xi măng, 1 triệu tấn sắt thép, và kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm khác như sứ vệ sinh, gạch ốp lát, kính xây dựng… Chưa kể nhu cầu VLXD cho hàng loạt dự án giao thông lớn đang và sẽ tiếp tục xây dựng trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Vì vậy, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành VLXD đang trở nên rất cấp bách. Ở góc độ quản lý thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng kiến nghị các bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở, tăng cường triển khai xây dựng đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; tăng sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép với dự án đường bộ cao tốc…
Theo ông Tống Văn Nga, cùng với việc tập trung vào chương trình phát triển nhà ở xã hội, khi lập quy hoạch các khu công nghiệp, doanh nghiệp cần có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, từ đó tác động tích cực đến thị trường VLXD. Còn ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cho rằng, với giải pháp tăng tỷ lệ xây dựng cầu cạn trên các tuyến quốc lộ, cao tốc có thể giúp tiêu thụ 70%-80% lượng xi măng đang tồn kho.
Trong khi đó, để ngành VLXD phát triển bền vững, ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho các sản phẩm vật liệu mới, tiên tiến, có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, an toàn với môi trường. Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển VLXD, quy hoạch khoáng sản làm VLXD cần được rà soát, điều chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm phù hợp các giai đoạn của đất nước.
Ông NGUYỄN QUANG CUNG, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng:
Hiệp hội Xi măng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép, thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này giúp nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình và đã được các nước ở châu Âu, Mỹ sử dụng từ nhiều năm trước và vẫn đang sử dụng. Hiện Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực xây dựng các dự án hạ tầng phát triển bền vững vùng ĐBSCL nên nếu các dự án này sớm được triển khai sẽ là cơ hội lớn cho ngành xi măng nói riêng và VLXD nói chung.
Ông TỐNG VĂN NGA, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam:
Hiện tỷ lệ sử dụng cầu cạn trên các tuyến quốc lộ, cao tốc còn khá khiêm tốn, chỉ dưới 10%. Việc sử dụng xi măng cho xây dựng đường giao thông, xây dựng cầu cạn ở vùng đất yếu như ĐBSCL không chỉ giúp tiết kiệm nguồn vật liệu đắp đang khan hiếm, mà còn giúp các công trình ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu khi khả năng thông thoát nước tốt, tăng độ bền công trình.
Nguồn SGGP:https://sggp.org.vn/go-kho-cho-nganh-vat-lieu-xay-dung-post758103.html