Liên hoan Sân khấu kịch lần đầu tiên của TP.HCM có gì?
Liên hoan Sân khấu kịch lần đầu tiên của TP.HCM có gì?
VOV.VN – Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần thứ 1 năm nay tập trung vào sân khấu kịch nói. Mỗi một sân khấu mang đến với liên hoan những vở diễn đặc sắc. Đây còn là dịp để các sân khấu có cơ hội giao lưu, học hỏi và nhìn nhận, tìm cách thể hiện những thể loại phù hợp với khán giả hơn.
Những vở diễn “thực”
Các tác phẩm kịch tham dự liên hoan lần này với nhiều nội dung, đa dạng lĩnh vực. Đó là, kịch lịch sử “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử” của Nhà hát kịch Idecaf. Kịch truyền thống cách mạng “Cánh đồng rực lửa” của sân khấu Quốc Thảo. Kịch thiếu nhi “Mễ Cốc phiêu lưu ký” của sân khấu Trương Hùng Minh,…
TP.HCM có số lượng sân khấu kịch nói lớn và hầu hết được xã hội hoá, tư nhân hoá. Kịch nói đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo nên những dấu ấn thương hiệu riêng cho từng sân khấu của Thành phố.
Các sân khấu kịch luôn phải tự đổi mới, tìm tòi để thu hút khán giả đến với sân khấu của mình. Mỗi một sân khấu luôn có cho mình lượng khán giả riêng, các vở diễn đặc trưng của sân khấu đó.
NSƯT Thành Lộc thuộc sân khấu kịch Thiên Đăng chia sẻ, ông từng không thích các liên hoan nói chung bởi có những vở đoạt huy chương, có thành tích cao nhưng sau khi khép lại hội diễn lại không thể sống được. Trong khi đó, những vở “thực” với đời sống của công chúng lại không có thành tích tốt. Nhưng với liên hoan này, ông mong mọi chuyện sẽ khác.
Sân khấu Thiên Đăng năm nay tham gia liên hoan với vở “Giáng Hương”.
“Một tác phẩm đạt giải nó phải có đời sống thực ở cuộc sống, khán giả phải thích, xem được, cùng sống và đồng hành với nó được nhiều năm thì giải thưởng mới thực sự có giá trị. Đó cũng là cách để những người quản lý nghệ thuật cả nước đánh giá về sân khấu xã hội hoá đúng nghĩa và tích cực nhất”, NSƯT Thành Lộc nói.
Còn NSND Mỹ Uyên cho rằng, Liên hoan Sân khấu TP.HCM rất thiết thực cho đời sống tinh thần của người làm nghề và đời sống tinh thần của khán giả. Đây là sân chơi của người làm nghề bởi mỗi đơn vị khi đến với liên hoan lại có những vở diễn với nội dung, kịch bản được chọn lựa kỹ lưỡng.
Dịp này, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B đem đến liên hoan 3 vở diễn là “Bến lửa lòng”, “Đêm vượn hú” và “Đồng chí”. Trong đó có một vở nói về đời sống tâm lý của các nhân vật trong gia đình có tính thời sự, hướng đến cách đối nhân xử thế trong gia đình.
Bên cạnh đó, nữ nghệ sĩ cũng mong muốn các sân khấu, ngoài những vở đề cao tính giải trí, thì cần nhìn lại và phát triển, nghiêm túc nghiên cứu những dòng kịch chính luận, văn học phục vụ cho khán giả, nhất là khán giả trẻ.
“Mỗi ngày chúng tôi cũng phải cập nhật, về nội dung, tư tưởng, diễn xuất, dàn dựng chất lượng nghệ thuật và nghệ sĩ cũng phải diễn hết mình”, NSND Mỹ Uyên nói.
Mở rộng sân chơi cho người trẻ
Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần 1 cũng là dịp để đánh giá cụ thể về chất lượng hoạt động, công tác tổ chức biểu diễn… của sân khấu kịch Thành phố.
Đây vừa là dịp để những diễn viên, nghệ sĩ, đạo diễn trẻ có cơ hội để cọ xát, học tập, hỗ trợ lẫn nhau.
NSƯT Hạnh Thúy cho biết, dịp này đơn vị của chị sẽ mang đến 2 vở diễn là “Vương quốc tâm hồn” và “Những cánh hoa trinh trắng” bởi đây là vở kịch có tính lịch sử do các diễn viên trẻ diễn.
Cùng với đó, một trong những tiêu chí của ban tổ chức lần này là diễn viên trẻ, các sinh viên vừa mới ra trường vẫn có thể tham gia,khác với một số liên hoan khác.
“Điều này mở rộng sân chơi cho các em, các bạn đến không phải để thi mà còn để học, tiếp nhận kiến thức kinh nghiệm từ các thế hệ trước”, NSƯT Hạnh Thúy cho hay.
Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần thứ 1 có sự tham gia của 20 đơn vị gồm sân khấu kịch trong và ngoài công lập, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật có hoạt động chuyên nghiệp lĩnh vực kịch nói với 25 vở diễn và khoảng 300 nghệ sĩ, diễn viên, diễn ra từ ngày 12-29/11. Các sân khấu thi tại chính sân khấu mình đang hoạt động. Các đơn vị không có địa điểm thì diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phỏng miền Nam, thống nhất đất nước.