Mê Linh sắp đấu giá 33 thửa đất, giá khởi điểm chỉ hơn 1,5 triệu đồng/m2
UBND huyện Mê Linh vừa thông báo sắp tổ chức 3 phiên đấu giá với 33 lô đất tại xã Tráng Việt trong tháng 12/2024. Đáng chú ý, giá khởi điểm các lô đất này chỉ hơn 1,5 triệu đồng/m2.
Cụ thể, phiên đấu giá thứ nhất, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp Công ty Hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 4 thửa đất tại khu Ao Đấu, thôn Tráng Việt và 7 thửa đất tại điểm X1, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt. Phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 13/12/2024.
Theo đó, 4 lô đất tại khu Ao Đấu có diện tích từ 150,9 – 1.111m2, giá trị thửa đất theo giá khởi điểm từ 228,6 triệu đồng đến gần 1,7 tỷ đồng. Còn 7 lô đất tại thôn Đông Cao có diện tích từ 92,9 – 156,3m2, giá trị thửa đất theo giá khởi điểm từ 140,7 – 236,7 triệu đồng.
Phiên đấu giá thứ hai diễn ra vào ngày 19/12/2024, với 11 thửa đất tại điểm X1, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt. Diện tích các thửa đất từ 100 – 155,5m2, giá trị thửa đất theo giá khởi điểm từ 151,5 – 235,5 triệu đồng.
Phiên đấu giá thứ 3 sẽ tổ chức vào ngày 26/12/2024 , với 11 thửa đất tại điểm X1, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt. Diện tích các thửa đất từ 87,4 – 142m2, giá trị thửa đất theo giá khởi điểm từ 132,4 – 215,1 triệu đồng.
Thời gian qua, tình hình đấu giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận được rất nhiều sự quan tâm. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thời gian qua người dân và nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt vào dòng sản phẩm đất đấu giá là việc hết sức bình thường, bởi đây là sản phẩm có pháp lý rõ ràng, mặt bằng sạch lại được đầu tư hạ tầng cơ bản.
Cùng với đó, thị trường thiếu nguồn cung mới và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 cấm các đô thị được phân lô, bán nền tại các dự án thương mại, đã tạo ra sức hút cho dòng sản phẩm này.
Để đảm bảo quá trình đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch, giảm thiểu tối đa các trường hợp đầu cơ, thổi giá, theo chuyên gia của VARS cần lưu ý nhiều vấn đề. Các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Còn các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục theo sát từng “động thái” của các cuộc đấu giá để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu “bất ổn”. Đồng thời, cũng xem xét để sớm đưa các điều chỉnh về cơ chế, chính sách, quy định chặt chẽ hơn liên quan đến hoạt động này vào đời sống để kịp thời nắn chỉnh hoạt động này đi đúng hướng. Trong đó, mức phạt bỏ cọc cần được xem xét nâng cao hơn.
Ngoài ra, cần tăng sự “cân nhắc” giữa “được và mất” của các cá nhân tham gia đấu giá, hạn chế phần nào “trào lưu đầu cơ” thông qua hoạt động đấu giá. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng “sang tay” ngay trong thời gian ngắn.
“Điều quan trọng nhất, vẫn nằm ở nút thắt về nguồn cung nhà ở. Cần sớm có các biện pháp tích cực và thiết thực để “khơi thông” nguồn cung nhà ở. Trong đó, xem xét, tháo gỡ dứt điểm các dự án đang bị vướng mắc về pháp lý là cách nhanh nhất giúp bơm thêm nguồn cung vào thị trường. Khi cung dần đáp ứng cầu thì lúc đó tự khắc thị trường sẽ được căn chỉnh và vấn đề về giá nói chung và giá trúng đấu giá nói riêng sẽ tiệm cận hơn với giá trị thực của bất động sản”, ông Đính nhấn mạnh