Ngỡ ngàng với 4 thực phẩm “bổ dưỡng gấp đôi” khi mọc mầm không phải ai cũng biết
Ngỡ ngàng với 4 thực phẩm “bổ dưỡng gấp đôi” khi mọc mầm không phải ai cũng biết
VOV.VN – Nhiều người thường vứt bỏ thực phẩm khi chúng bắt đầu mọc mầm, cho rằng chúng đã hỏng và không ăn được. Tuy nhiên, sự thật là nhiều loại thực phẩm khi nảy mầm lại chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gấp nhiều lần so với trạng thái ban đầu.
Một số loại đậu là món ăn bổ dưỡng
Giá đỗ, mầm đậu nành hay giá đỗ xanh là những món ăn quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Ít ai biết rằng, quá trình nảy mầm đã làm tăng đáng kể giá trị dinh dưỡng của hạt đậu nành hoặc đậu xanh. Cụ thể, hàm lượng vitamin C, vitamin E, canxi và chất xơ tăng lên gấp nhiều lần so với hạt đậu ban đầu.
Isoflavone, một hợp chất có hoạt tính estrogen thực vật cũng sẽ đạt đỉnh điểm sau khi đậu nành nảy mầm, rất tốt cho sức khỏe tim mạch và nội tiết tố nữ. Trong khi đó, đậu lăng nảy mầm giàu protein, chất xơ, sắt và folate. Chúng đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai và người ăn chay.
Gạo lứt
Gạo lứt nảy mầm là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Quá trình nảy mầm giúp tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Gạo lứt nảy mầm chứa hàm lượng GABA (gamma-aminobutyric acid) cao, một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện giấc ngủ.
Quá trình nảy mầm cũng làm tăng oryzanol trong gạo lứt. Đây là một chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng giảm cholesterol, bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa ung thư. Gạo lứt nảy mầm cũng dễ tiêu hóa hơn gạo lứt thông thường do quá trình nảy mầm đã phân giải một phần tinh bột.
Tỏi
Tỏi mọc mầm thường bị nhiều người bỏ đi vì cho rằng có độc. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều ngược lại. Tỏi mọc mầm không những an toàn mà còn chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn tỏi tươi.
Hàm lượng các chất chống oxy hóa như allicin và các hợp chất sulfur hữu cơ tăng cao, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, ngăn ngừa ung thư và lão hóa. Ngoài ra, allicin trong mầm tỏi có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus và tăng cường hệ miễn dịch. Mầm tỏi giúp giảm cholesterol xấu, hạ huyết áp và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Hạt lạc (đậu phộng) là thực phẩm bổ dưỡng
Hạt lạc nảy mầm, còn được gọi là “lộc trường sinh”, chứa nhiều dưỡng chất quý giá, đặc biệt là resveratrol, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Hàm lượng resveratrol trong hạt lạc nảy mầm cao gấp nhiều lần so với hạt lạc thông thường, có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư, bảo vệ tim mạch và kéo dài tuổi thọ.
Hạt lạc nảy mầm giàu vitamin E, vitamin B, folate, sắt, kẽm và magie.Chất xơ trong hạt lạc nảy mầm giúp cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Hạt lạc nảy mầm có thể ăn sống, rang hoặc làm sữa hạt. Tuy nhiên, nên chọn những hạt lạc nảy mầm còn tươi, không bị hỏng hay mốc.