Nhập viện tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử
Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) mới đây đã tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân 26 tuổi chịu hậu quả rối loạn tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử có trộn cần sa.
Bệnh nhân cho biết cách thời gian vào viện 5 tháng có cãi nhau với vợ. Sau mâu thuẫn trên, vợ anh đã nộp đơn ly hôn.
Rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử
Trước hành động dứt khoát muốn chia tay của vợ, bệnh nhân rơi vào trạng thái buồn chán, không muốn nói chuyện, giao tiếp với ai.
Nam bệnh nhân cho biết trong suốt thời gian này, bệnh nhân không thể tập trung làm việc khiến công việc cũng “xuống dốc”.
Để giải tỏa những cảm xúc trên, bệnh nhân đã dùng cần sa pha vào tinh dầu thuốc lá điện tử để hút. Bệnh nhân ngồi hút thuốc cả đêm, rồi ngủ gục trên giường cả buổi sáng, bỏ làm. Mẹ bệnh nhân phát hiện ra và bắt bỏ hút thuốc nhưng bệnh nhân không nghe nên gia đình đưa anh vào Viện Sức Khỏe tâm thần điều trị.
Bác sĩ Vũ Văn Hoài, Đơn nguyên sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết nam bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần hành vi do sử dụng cần sa. Việc dùng thuốc lá điện tử trộn thêm cần sa không chỉ gây nghiện, dẫn đến các rối loạn hoang tưởng ảo giác mà còn kéo theo nhiều bệnh lý cơ thể khác.
Trước đó, tại đây cũng tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân trẻ tuổi (ở Hà Nội) có các hành vi bất thường do hút thuốc lá điện tử quá nhiều. Theo chia sẻ của gia đình, bệnh nhân bắt đầu hút thuốc lá điện tử từ 4 năm trước. Càng ngày hút nhiều hơn, cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái mơ màng, mệt mỏi, đờ đẫn.
Mẹ của bệnh nhân phát hiện con gái hay nói chuyện không liên quan, khi mọi người gọi hay nói chuyện thì không tập trung hoặc trả lời chậm. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán rối loạn tâm thần, hành vi do sử dụng thuốc lá điện tử.
Nhiều chất gây ung thư có trong thuốc lá điện tử
Các bác sĩ cho biết sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh ở người trẻ. Lý do chính khiến người dùng sử dụng thuốc lá điện tử là tò mò, hương vị ngon hơn thuốc lá, ý định cai thuốc lá hoặc giảm hút thuốc lá.
Bác sĩ Hoài lưu ý thêm trong thuốc lá điện tử có chất lỏng EC, chứa nicotine dạng lỏng có nồng độ cao. Việc sử dụng nicotine nồng độ cao có liên quan đến ngộ độc, có thể đe dọa tính mạng của người dùng và gây tử vong. Sử dụng nicotine thường dẫn đến các triệu chứng bao gồm nhức đầu, trầm cảm, khó chịu, lo lắng và suy giảm khả năng tập trung.
“Ngoài ra, việc sử dụng thuốc lá điện tử dễ khiến người dùng nghiện thêm các chất gây nghiện khác ví như cần sa. Việc sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine làm tăng khả năng sử dụng cần sa gấp 3,5 lần”-bác sĩ Hoài thông tin.
Khảo sát của Bộ Y tế mới đây cho thấy tại gần 700 cơ sở y tế, riêng năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các triệu chứng khi nhập viện bao gồm dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, đột quỵ não. Số ngày điều trị trung bình từ 1-6 ngày; có 5% số bệnh nhân sau điều trị vẫn để lại di chứng…
Theo Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng hơn 2 lần từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023. Theo thống kê, tỉ lệ hút thuốc của nhóm từ 15 – 24 tuổi là 7,3%; từ 25 – 44 tuổi là 3,2%; từ 45 – 64 tuổi là 1,4%.
Các chuyên gia cảnh báo đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên, việc sử dụng thuốc lá điện tử còn kéo theo nhiều tác hại khác như: việc hút thuốc lá điện tử tác động trực tiếp và dài hạn đến não bộ, đặc biệt vùng vỏ não trước trán – khu vực phát triển mạnh ở thời kỳ học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các vùng não này xử lý quá trình nhận thức và cảm xúc, động lực, khả năng lập kế hoạch, sự tập trung chú ý.
Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ liệt kê một số chất độc, ngoài nicotine, xuất hiện trong thuốc lá điện tử. Cụ thể:
– Chất gây ung thư – bao gồm acetaldehyde và formaldehyde.
– Acrolein – một loại thuốc diệt cỏ chủ yếu được sử dụng để diệt cỏ dại, có thể gây tổn thương phổi không thể phục hồi.
– Diacetyl – một chất hóa học có liên quan đến viêm tiểu phế quản tắc nghẽn.
– Diethylene glycol – một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông, có liên quan đến bệnh phổi.
– Kim loại nặng như niken, thiếc, chì… và cadmium – một loại kim loại độc hại gây ra các vấn đề về hô hấp.