Ông Putin duyệt học thuyết hạt nhân mới của Nga
Tổng thống Vladimir Putin hôm nay ký sắc lệnh, phê duyệt tài liệu mang tên Những nguyên tắc cơ bản về Chính sách Nhà nước trong lĩnh vực Răn đe Hạt nhân, thông qua hàng loạt điều chỉnh về học thuyết vũ khí hạt nhân của Nga.
“Duy trì răn đe kẻ thù tiềm tàng, ngăn chặn những hành động hung hăng nhằm vào Nga và đồng minh là một trong những ưu tiên cao nhất của nhà nước. Khả năng răn đe được bảo đảm bởi toàn bộ năng lực quân sự của Nga, trong đó có vũ khí hạt nhân”, văn kiện có đoạn.
Học thuyết khẳng định chính sách răn đe hạt nhân của Nga chỉ mang tính phòng thủ, trong đó sử dụng vũ khí nguyên tử là “biện pháp cần thiết và tột cùng”. Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân nếu xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng với toàn vẹn lãnh thổ của họ và Belarus.
Những cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí thông thường như tên lửa, máy bay không người lái hoặc phi cơ quân sự nhằm vào hai nước cũng là một trong những điều kiện cho phép triển khai vũ khí hạt nhân.
“Hành động gây hấn của một quốc gia thành viên liên minh quân sự hoặc đồng minh của họ sẽ bị là hành động gây hấn của toàn bộ liên minh đó. Hành động hung hăng của quốc gia phi hạt nhân, nếu có sự tham gia và hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân, cũng sẽ bị coi là đòn tấn công chung nhằm vào Nga”, học thuyết có đoạn.
Tài liệu không nêu tên quốc gia cụ thể, song truyền thông Nga nhận định điều này nhắm đến trường hợp Ukraine, quốc gia phi hạt nhân, sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mục đích sửa đổi học thuyết hạt nhân là khiến những đối thủ tiềm tàng hiểu rằng Nga chắc chắn sẽ đáp trả cuộc tấn công nhằm vào nước này hoặc đồng minh. “Nới lỏng quy định sử dụng vũ khí hạt nhân là cần thiết. Nga cần điều chỉnh học thuyết hạt nhân phù hợp với tình hình hiện nay”, ông cho hay.
Học thuyết sửa đổi được ông Putin đề xuất hồi tháng 9. Tổng thống Nga khi đó nói rằng đã thống nhất với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko về những điều khoản được cập nhật.
Quyết định phê duyệt được công bố sau khi truyền thông Mỹ ngày 17/11 dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ chuyển giao để tập kích mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Cuộc tấn công đầu tiên có thể diễn ra trong những ngày tới, sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn tối đa 300 km.
Giới chức Mỹ từ chối bình luận về thông tin gỡ rào vũ khí cho Ukraine.
Nga trước đó áp dụng học thuyết hạt nhân thông qua năm 2020, trong đó quy định 4 trường hợp Moskva được phép sử dụng vũ khí nguyên tử.
Thứ nhất là nếu Nga nhận được “thông tin đáng tin cậy” rằng tên lửa đạn đạo đã được phóng về hướng nước này hoặc đồng minh. Trường hợp thứ hai là khi vũ khí hạt nhân hoặc các khí tài hủy diệt hàng loạt được sử dụng để chống lại Nga hoặc đồng minh.
Tiếp theo là trường hợp kẻ thù của Nga có hành động nhằm vào “cơ sở quân sự, nhà nước quan trọng”, có thể làm gián đoạn năng lực phản ứng của lực lượng hạt nhân. Cuối cùng là kịch bản Moskva bị tấn công bằng vũ khí thông thường có khả năng đe dọa đến tồn vong quốc gia.
Tổng thống Putin đầu năm nay cho rằng Nga cần cập nhật học thuyết hạt nhân để ứng phó các mối đe dọa mới từ NATO. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hồi tháng 6 mô tả học thuyết hạt nhân hiện của Moskva là “quá chung chung”, nhấn mạnh Nga cần “nói rõ, cụ thể và chắc chắn hơn về những gì có thể xảy ra” nếu phương Tây tiếp tục leo thang.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)