Du Lịch

Ông Trump trở lại Nhà Trắng tác động ra sao tới ngành du lịch?

Ông Trump trở lại Nhà Trắng tác động ra sao tới ngành du lịch?

VOV.VN – Ông Donald Trump sắp quay trở lại Nhà Trắng sau 4 năm, hứa hẹn sẽ thực hiện nhiều chính sách mới trong nhiệm kỳ thứ hai. Trang tin Skift dẫn lời các chuyên gia chỉ ra rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump có thể mang lại cả cơ hội và thách thức cho du lịch quốc tế. 

Thị thực và du khách quốc tế

Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những bước tiến dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden để giảm thời gian chờ cấp thị thực và đơn giản hóa các quy trình đi lại, bao gồm việc sử dụng miễn trừ phỏng vấn để giải quyết tình trạng tồn đọng.

Trước đó, nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump chứng kiến ​​các chính sách thị thực hạn chế hơn, với việc tăng cường sàng lọc và giám sát chặt chẽ hơn đối với du khách từ một số khu vực nhất định. Một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đặt câu hỏi rằng liệu các chính sách của ông Trump có làm hạn chế sự phát triển của ngành du lịch tại Mỹ hay không, trong bối cảnh đất nước này đang tiến gần đến mốc đạt số lượng du khách kỷ lục. 

Đối với du khách quốc tế ở một số quốc gia, viễn cảnh gia hạn các lệnh cấm nhập cảnh có thể gia tăng thách thức đối với ngành du lịch Mỹ. Năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump đã hạn chế nhập cảnh đối với công dân Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Bởi vậy, các chuyên gia dự đoán thời gian xin visa trong 4 năm tới sẽ khó hơn, nhiều người bị từ chối hơn hoặc thời gian chờ visa lâu hơn.

Tuy nhiên, lần này, ngành du lịch sẽ gặp thách thức lớn hơn khi Mỹ đang tiến gần đến mục tiêu đón 90 triệu du khách mỗi năm vào năm 2026. Bất kỳ hạn chế mới nào cũng có thể làm thay đổi bối cảnh du lịch toàn cầu, tác động đến các hãng hàng không, khách sạn và doanh nghiệp phụ thuộc vào khách du lịch quốc tế.

Chính sách về khí hậu

Chương trình nghị sự khí hậu dưới thời Tổng thống Biden có thể sẽ bị thay đổi khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Ông Trump đã liên tục bác bỏ các quy định nghiêm ngặt về khí hậu khi chọn cách rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và ủng hộ việc bãi bỏ quy định.

Đối với ngành du lịch, vốn ngày càng tập trung vào tính bền vững, việc hủy bỏ các ưu đãi như ưu đãi cho nhiên liệu hàng không có thể làm chậm tiến độ hướng tới các giải pháp du lịch xanh. Trong khi cách tiếp cận của ông Trump có thể mang lại lợi ích cho các công ty du lịch bằng cách giảm chi phí tuân thủ, những chuyên gia môi trường lo ngại rằng động lực của ngành hướng tới các hoạt động bền vững có thể bị đình trệ.

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden, các hãng hàng không và khách sạn đã chứng kiến ​​mức tăng đáng kể từ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, bao gồm các khoản đầu tư vào hiện đại hóa sân bay và các dự án đường bộ nhằm thúc đẩy nhu cầu về các khách sạn gần đó.

Mặc dù ông Trump trước đây đã ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng nhiệm kỳ thứ hai của ông có thể chuyển hướng khỏi các kế hoạch ​​chi tiêu quy mô lớn. Điều này có thể làm tăng thêm sự bất ổn cho ngành du lịch mong muốn có nhiều khoản đầu tư dài hạn hơn.

Nếu không có nguồn tài trợ như vậy, các dự án được thiết kế để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn và hiện đại hóa các trung tâm du lịch có thể bị trì hoãn, ảnh hưởng đến các hãng hàng không, khách sạn và dịch vụ vận tải phụ thuộc vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng.

Thuế

Một trong những sự tương phản rõ rệt nhất giữa ông Trump và đối thủ của ông trong cuộc bầu cử vừa qua, Phó Tổng thống Kamala Harris, là về chính sách thuế doanh nghiệp. Ông Trump đã đề xuất giảm thêm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, hiện ở mức 21%, điều này có thể giảm áp lực về vốn cho các doanh nghiệp du lịch.

Tuy nhiên, về mặt thương mại, việc giảm thuế của ông Trump có thể làm bùng phát căng thẳng thương mại, với hiệu ứng làm tăng giá cả và giảm nhu cầu về dịch vụ du lịch. Nếu Trung Quốc và các đối tác thương mại khác phản ứng trước động thái này, Boeing và các công ty khác của Mỹ có thể ở thế bất lợi khi đối mặt với nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung cấp máy bay mới.

Nguồn lao động

Ông Trump sẽ tiếp tục những chính sách cứng rắn về vấn đề nhập cư trong nhiệm kỳ thứ hai. Điều này sẽ gây khó khăn cho những công ty du lịch phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài làm việc theo mùa khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực. 

Khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng, các lĩnh vực vốn đang phải vật lộn với tình trạng suy giảm lực lượng lao động trong khoảng thời gian sau đại dịch Covid-19, có thể thấy áp lực gia tăng trong việc duy trì các vị trí thường do lao động nước ngoài đảm nhiệm, đặc biệt là ở các khu vực phụ thuộc vào lao động theo mùa.

Khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu ngành du lịch có thể duy trì tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế và nhiều quy định thay đổi không? Các nhà lãnh đạo ngành du lịch đang theo dõi chặt chẽ, chuẩn bị cho những thay đổi có thể định hình lại bối cảnh du lịch tại Mỹ trong nhiều năm tới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Source

Breaking News

Breaking News - Daily news updates on social issues, sports, law, technology, youth, education. Updates on storms, floods, natural disasters and hot social issues. View more: Breaking News Economy | Breaking News Technology | Breaking News Stock | Breaking News Education | Breaking News Real Estate

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button