Petrovietnam nỗ lực gỡ rào cản pháp lý cho ngành Dầu khí vươn xa
Petrovietnam với nỗ lực xóa bỏ rào cản pháp lý cho ngành Dầu khí vươn xa
Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về pháp lý và môi trường kinh doanh, việc tháo gỡ các rào cản pháp lý là yêu cầu cấp thiết, không chỉ để nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn góp phần đưa ngành dầu khí trở thành đầu tàu công nghiệp – năng lượng theo định hướng của Bộ Chính trị trong Kết luận số 76-KL/TW. Với tinh thần tiên phong, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho ngành dầu khí thực hiện bước đột phá tiến vào kỷ nguyên năng lượng mới.
Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế đất nước với nhiệm vụ quản lý, triển khai các hoạt động dầu khí, phát triển ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ theo 5 lĩnh vực: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Trong suốt những năm qua, Petrovietnam thực hiện vai trò là Công ty Dầu khí Quốc gia thay mặt Nhà nước Việt Nam ký kết hợp đồng và quản lý điều hành các hoạt động dầu khí trên biển. Thông qua đó, lớp lớp thế hệ những người lao động Dầu khí đã góp phần xây dựng và phát triển Petrovietnam có quy mô, bề dày, tiềm lực như ngày nay.
Tuy nhiên, những biến động trong hành trình phát triển khiến ngành công nghiệp dầu khí cần có những bước chuyển biến toàn diện, đồng bộ và cần có sự cải cách, từ cách thức quản lý nhà nước đến việc ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại đối với các hoạt động dầu khí theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý, giảm bớt các đầu mối và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Để cập nhật cũng như điều chỉnh cho những hoạt động trong lĩnh vực dầu khí phù hợp với điều kiện kinh doanh, môi trường tự nhiên, môi trường pháp lý, môi trường đầu tư mới, Petrovietnam đã rất tích cực đề xuất, nghiên cứu đánh giá cùng với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ và trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa Luật. Việc sửa Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.
Nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành Dầu khí
Thể hiện trách nhiệm, tình cảm, mong muốn, khát vọng của người lao động Dầu khí trong việc xây dựng ngành Dầu khí phát triển bền vững, phát huy cao nhất tinh thần, trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và góp ý đối với Dự thảo Luật Dầu khí, Petrovietnam đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến đánh giá, đóng góp của các đơn vị thành viên, đối tác, nhà thầu dầu khí, cùng cá nhân, tổ chức, góp phần hoàn thiện Luật Dầu khí.
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và để có thể tham gia góp ý một cách hiệu quả, thiết thực trong quá trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Petrovietnam luôn chú trọng công tác rà soát các quy định của pháp luật, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập đoàn thường xuyên tổ chức Hội thảo chuyên đề về khó khăn, vướng mắc quy định pháp luật trong các mặt hoạt động, nhằm mục đích trao đổi, thảo luận các vấn đề thực tiễn mà Tập đoàn và các đơn vị thành viên đang gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án. Đây cũng là cơ hội để trao đổi chuyên sâu, xác định và tháo gỡ những khó khăn liên quan đến các vướng mắc hiện nay; từ đó có những phản ánh, góp ý kịp thời kiến nghị tới cơ quan quản lý Nhà nước để tăng tính hiệu quả và tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí.
Các văn bản quy phạm pháp luật có sự tham gia góp ý của Petrovietnam, có thể kể đến như dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Đấu thầu; dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Dầu khí;…
Đối với Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Petrovietnam đã thực hiện đề xuất thông qua 2 kênh văn bản và tổ chức 2 hội thảo với nhiều góp ý. Tiêu biểu là đề xuất cơ chế phân cấp phân quyền mạnh hơn trong vấn đề tài chính của doanh nghiệp; đề xuất bỏ đối tượng chịu sự điều chỉnh là doanh nghiệp F2 được cơ quan soạn thảo chấp nhận.
Petrovietnam cũng đưa ra các kiến nghị tháo gỡ về dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó, đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT so với không chịu thuế GTGT như trước đây, kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp phân bón cải thiện giá trị đầu tư sản xuất.
Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) tập trung vào bổ sung các quy định chống xói mòn thuế toàn cầu. Trong đó, quy định ảnh hưởng trọng yếu tới doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế trong chuyển nhượng hoạt động thăm dò phát sinh chưa được bù trừ với các dự án khác của Tập đoàn.
Trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Petrovietnam cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về nhiều kiến nghị, tập trung các góp ý liên quan đến các dự án điện khí/LNG, điện gió ngoài khơi.
Chủ trương của Đảng, Chính phủ coi cải cách thể chế là đột phá quan trọng, tập trung điều chỉnh pháp luật để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Việc hoàn thiện pháp luật cần thay đổi tư duy, chú trọng chất lượng và tham vấn ý kiến doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả chính sách… Dưới góc độ doanh nghiệp, Petrovietnam hiểu rõ cần có sự chủ động, tập trung vào kiến nghị những vướng mắc nổi cộm để các bộ ngành liên quan sớm nắm bắt, sửa đổi. Đây cũng là quan điểm được các bộ ngành ủng hộ.
Nỗ lực đưa ngành dầu khí trở thành đầu tàu công nghiệp – năng lượng quốc gia
Trong bối cảnh hiện nay, cách nhìn nhận và định hướng hoạt động năng lượng và dầu khí của nước ta trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng, để từ đó hoàn thiện các cơ sở hành lang pháp lý và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế thế giới, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế đất nước, cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trước thực tế này, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, ban hành, sửa đổi các cơ sở hành lang pháp lý để đáp ứng, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp, mới đây nhất, ngày 24/4/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới (Kết luận số 76-KL/TW).
Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị đã mở ra một số định hướng phát triển Petrovietnam trở thành tập đoàn công nghiệp – năng lượng quốc gia gắn với phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống; tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Để Kết luận số 76-KL/TW nhanh chóng được triển khai thuận lợi trong thực tế, các bộ, ban ngành cần triển khai thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện các mục tiêu cụ thể về phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đề ra trong Kết luận 76.
Về phía Petrovietnam, Tập đoàn sẽ tập trung các nguồn lực để xây dựng và triển khai chiến lược phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW; trong đó có việc đồng hành cùng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý phù hợp để Tập đoàn phát triển; tiếp tục nỗ lực tối đa thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với vai trò, vị trí của Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế và ngành năng lượng bền vững cho Việt Nam trong tương lai.