Du Lịch

Phát triển du lịch bền vững trên vùng tâm chấn động đất Kon Plông

Phát triển du lịch bền vững trên vùng tâm chấn động đất Kon Plông

VOV.VN – Những năm gần đây tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi có Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen liên tục xảy ra động đất. Để duy trì lượng du khách đến với Măng Đen, chính quyền địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch đã có những giải pháp chung tay xây dựng phát triển du lịch bền vững ngay trên vùng tâm chấn động đất.

Tại Kon Tum, Trung tâm hỗ trợ du khách Măng Đen mới đi vào hoạt động được vài tháng song đã nhanh chóng thành một kênh thông tin của khách du lịch về tình hình động đất ở Kon Plông. Trước đây du khách khi có ý định đến Măng Đen chỉ quan tâm đến phòng nghỉ, giá dịch vụ, các điểm tham quan… thì nay tình hình động đất cũng là thông tin đáng chú ý.

Anh Lê Trọng Lộc tại Trung tâm hỗ trợ du khách Măng Đen, cho biết: “Nhiều khách du lịch trước khi đến Măng Đen người ta đã tìm hiểu rồi, hỏi qua zalo hay là facebook. Trung tâm trả lời cho khách về những thông tin như cường độ hay mức độ ảnh hưởng của động đất. Chúng tôi cho khách biết năm nào ở Măng Đen thì cũng có các trận động đất nhưng mà nhỏ thôi, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến cuộc sống và con người ở đây. Tụi em cũng giúp cho du khách cảm thấy an tâm về điều đấy”.

Cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình động đất; giải đáp thắc mắc, thậm chí hướng dẫn du khách các kỹ năng ứng phó với động đất là cách mà chính quyền Kon Plông và các đơn vị kinh doanh du lịch ở Măng Đen đã và đang thực hiện.

Ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết trước những thông tin dồn dập về động đất trên địa bàn, có thời điểm đã xảy ra tình trạng hủy phòng, hủy tour, nhưng tình hình cũng nhanh chóng được cải thiện: “Việt Nam ít xảy ra động đất, cho nên khi nghe đến động đất có một số du khách e ngại. Nhưng qua trả lời của Viện Vật lý địa cầu và việc động đất xảy ra thời gian vừa qua thì nói chung cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như nguy cơ mất an toàn”.

Cùng với đẩy mạnh truyền thông về tình hình động đất, huyện Kon Plông cũng liên tục cho ra các sản phẩm mới phục vụ du khách. Nổi bật là công trình Vườn nghệ thuật Măng Đen và Khu phố kinh tế đêm Măng Đen được bố trí hài hoà dưới tán thông xanh và bằng những vật liệu nhẹ có khả năng chống chịu cao với động đất.

Chọn hình thức nghỉ dưỡng, làm việc trong thời gian dài ở thị trấn Măng Đen, từng trải qua trận động đất 5 độ richter vào trưa ngày 28/7, chị Nguyễn Phương Thuỳ, đến từ tỉnh Bình Định, cho biết: “Trước khi lên đây tôi cũng có tìm hiểu, người dân địa phương sống ở đây mấy chục năm vẫn bình thường thì mình cứ thoải mái tìm hiểu và lên đây du lịch. Trận động đất lớn thì tôi có chứng kiến, mọi người vẫn sinh hoạt bình thường chứ không vấn đề gì hết. Tôi thấy không phải là vấn đề nghiêm trọng. Không phải lúc nào cũng có động đất, mà lâu lâu mới có một lần mà kiểu nhẹ thôi không phải quá mạnh tới mức mọi người phải sợ”.

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh Viện Vật lý địa cầu liên tục ghi nhận các trận động đất xảy ra trên địa bàn, huyện Kon Plông vẫn đón hơn 1 triệu lượt du khách, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, tổng doanh thu 365 tỷ đồng. Riêng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua có 30.000 lượt khách du lịch đến Măng Đen.

Trong hành trình hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, cùng với chú trọng yếu tố động đất trong quản lý xây dựng, tổ chức các sản phẩm du lịch đảm bảo an toàn cho du khách…, Kon Plông đang rất mong các nhà khoa học sớm xác định nguyên nhân gây ra động đất để có kế hoạch bài bản, lâu dài cho việc phát triển du lịch thích ứng với tình hình động đất.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Source

Breaking News

Breaking News - Daily news updates on social issues, sports, law, technology, youth, education. Updates on storms, floods, natural disasters and hot social issues. View more: Breaking News Economy | Breaking News Technology | Breaking News Stock | Breaking News Education | Breaking News Real Estate

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button