Phố Wall tăng điểm nhờ cổ phiếu công nghệ, thị trường chú ý tới chính sách thuế quan, biên bản Fed
Kết thúc phiên 26/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 123,74 điểm (+0,28%) lên 44.860,31 điểm, S&P 500 thêm 34,26 điểm (+0,57%) thành 6.021,63 điểm và Nasdaq Composite leo 119,46 điểm (+0,63%) đạt 19.174,30 điểm.
Loạt cổ phiếu công nghệ lớn như Microsoft (+2%) và Apple (+0,94%) là động lực chính thúc đẩy nhóm ngành công nghệ và chỉ số Nasdaq.
Là “điểm sáng” duy nhất trong số các cổ phiếu ngân hàng có hoạt động ảm đạm, Wells Fargo tăng 0,6% nhờ tin tức ngân hàng đang ở giai đoạn cuối của quy trình kiểm tra theo quy định nhằm dỡ bỏ mức trần tài sản 1,95 nghìn tỷ USD vào năm tới, sau khi khắc phục vấn đề liên quan đến vụ bê bối tài khoản giả.
Trong khi đó, đà tăng của Dow Jones phần nào bị kìm hãm bởi sự sụt giảm của Amgen, giảm khoảng 4,8%, sau khi thuốc giảm cân thử nghiệm của hãng không đạt kỳ vọng.
Ngược lại, cổ phiếu Eli Lilly leo 4,6% khi Tổng thống Joe Biden đề xuất mở rộng bảo hiểm Medicare và Medicaid để bao gồm cả thuốc điều trị béo phì.
Vào phiên trước, chỉ số Russell 2000, đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đã đạt đỉnh lịch sử sau ba năm. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm 0,7% vào phiên 26/11.
Một trong những diễn biến mới tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và áp thêm 10% thuế bổ sung lên hàng hoá từ Trung Quốc. Điều này một lần nữa làm gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc chiến thương mại.
Cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô như Ford (-2,63%) và General Motors (-9%) đều sụt giảm trước thông tin này bởi họ có chuỗi cung ứng tích hợp sâu rộng giữa Mỹ, Mexico và Canada.
“Mức thuế mới sẽ khiến một số dòng sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn, điều này đồng nghĩa với việc doanh thu của các công ty sẽ suy giảm hoặc giá cả sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên. Hiện tại, thị trường đang trong tình trạng lên xuống thất thường vì có quá nhiều sự không chắc chắn”, Robert Pavlik, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Dakota Wealth cho biết.
Về khía cạnh kinh tế, biên bản cuộc họp tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức dường như bất đồng về việc cần tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm bao nhiêu. Bên cạnh đó, họ cũng nhất trí rằng đây là thời điểm cần tránh cung cấp các chỉ dẫn cụ thể về lộ trình lãi suất trong thời gian tới.
“Biên bản không làm thay đổi quan điểm của tôi về việc lãi suất sẽ được cắt giảm vào tháng 12 và tiếp tục như vậy trong năm tới”, Jamie Cox, đối tác quản lý tại Harris Financial Group nhận xét.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác lại tỏ ra thận trọng hơn. Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics cho biết ông vẫn kỳ vọng sẽ có một đợt cắt giảm0, 25 điểm phần trăm nữa trong năm nay, nhưng quyết định còn phụ thuộc vào dữ liệu, đặc biệt là số liệu việc làm và lạm phát trong tháng 11.
GIÁ DẦU TIẾP ĐÀ GIẢM MẠNH
Trên thị trường năng lượng, giá dầu kéo dài đà giảm từ đầu tuần trong bối cảnh biến động sau khi Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah, làm giảm rủi ro địa chính trị đối với giá dầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 20 cent, tương đương 0,27%, xuống còn 72,81 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ chốt ở mức 68,77 USD/thùng, giảm 17 cent, tương đương 0,25%.
Cả hai đều có lúc tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên.
“Chúng ta đã chứng kiến sự tăng giảm đột ngột vào thời điểm xuất hiện tin OPEC nối lại thoả thuận sản lượng”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group chỉ ra.
Các thành viên OPEC+ đang thảo luận về việc trì hoãn thêm kế hoạch tăng sản lượng dầu dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2025. Cuộc họp vào Chủ nhật tới đây sẽ quyết định chính sách cho đầu năm 2025.
Liên minh, vốn đóng góp khoảng một nửa sản lượng dầu thế giới, dự định sẽ từ từ giảm bớt các biện pháp cắt giảm sản lượng bằng cách tăng nhẹ trong nhiều tháng cuối 2024 và đầu 2025. Tuy nhiên, xu hướng suy giảm nhu cầu tại Trung Quốc và trên toàn cầu, cùng với sản lượng ngoài nhóm tăng, đang làm lung lay kế hoạch đó.