Rafael Nadal: Di sản của một huyền thoại
Rafael Nadal: Di sản của một huyền thoại
GD&TĐ – Ngày ấy cuối cùng cũng đến. Rafael Nadal – một trong những biểu tượng vĩ đại nhất của tennis thế giới đã chính thức giã từ sự nghiệp.
Rafael Nadal lập kỷ lục 14 lần vô địch Pháp mở rộng. Ảnh: INT. |
Chiều ngày 10/10/2024, trên trang cá nhân, Rafa (biệt danh của Nadal) nói lời chia tay sự nghiệp quần vợt đỉnh cao ở tuổi 38.
“Tôi ở đây để cho các bạn biết, tôi đang giải nghệ khỏi quần vợt chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn rất nhiều đến tất cả. Mọi thứ đều có bắt đầu và kết thúc. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để kết thúc sự nghiệp vốn đã thành công và kéo dài hơn những gì tôi tưởng tượng”, Nadal nói.
Huyền thoại vĩ đại
92 danh hiệu ATP, trong đó có 22 Grand Slam, 36 Masters 1000, Huy chương Vàng đơn nam tại Olympic 2008, đôi nam tại Olympic 2016, 21 ATP 500, 5 Davis Cup và rất nhiều danh hiệu cao quý khác đã đưa Rafa vào ngôi đền thiêng của lịch sử tennis – nơi anh sẽ mãi mãi là một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của thế giới banh nỉ.
Ở tuổi 38, thật khó cho Rafa có thể cưỡng lại được quy luật của thời gian. Thực tế, trong 2 năm qua, anh không còn ở trạng thái sung mãn như ngày nào để có thể thi thố với đàn em tuổi đôi mươi.
Thể lực giảm sút, chấn thương hành hạ có thể không đánh gục được ý chí của Rafa nhưng nó khiến những bước chân của anh không còn linh hoạt như xưa hay những cú trái tay sở trường không còn đủ uy lực để kết liễu đối thủ.
Do đó, tuyên bố chia tay là một quyết định hợp lý, dù có thể trong thâm tâm, Rafa vẫn còn muốn tiếp tục chinh phục những đỉnh cao. Khác với trước đây, mỗi khi bị chấn thương tàn phá, Nadal thường trở lại mạnh mẽ hơn nhưng lần này, giải Davis Cup cùng Tây Ban Nha vào tháng 11 năm nay sẽ là lần cuối cùng người hâm mộ được chứng kiến những bước chân của Rafa trên sân đấu quần vợt đỉnh cao.
“Vua đất nện” – Biệt danh mà người hâm mộ đặt cho Rafa đã nói lên tất cả. Không một chút nghi ngờ. Nadal chính là người vĩ đại nhất trên mặt sân bụi đỏ này. 14 danh hiệu Pháp mở rộng là minh chứng hùng hồn nhất. Lịch sử quần vợt chưa bao giờ chứng kiến một tay vợt có thể giành tới 14 danh hiệu ở cùng một giải đấu. Trước Nadal không có, sau Rafa chưa biết đến bao giờ!
Ngoài thành công tột đỉnh tại Pháp mở rộng, Rafa cũng thiết lập nên hàng loạt kỷ lục trên mặt sân đất nện. Có thể kể đến như chuỗi 81 trận bất bại liên tiếp giai đoạn năm 2004 – 2005 hay như kỷ lục 11 lần vô địch tại Monte Carlo, 10 lần tại Rome Masters, 12 lần vô địch tại giải ATP 500 ở Barcelona… Nadal cũng chính là tay vợt đầu tiên và duy nhất trong lịch sử vô địch từ 10 lần trở lên ở 4 giải đấu khác nhau.
Tất cả những con số thống kê đó là một phần trong rất nhiều kỷ lục mà Nadal từng lập nên ở mặt sân đất nện. Không chỉ vậy, Rafa còn giành nhiều vinh quang ở cả những sân đấu không phải thế mạnh để ghi danh vào lịch sử như 4 lần vô địch US Open, 2 Wimbledon, 2 Australian Open cùng hàng loạt danh hiệu lớn khác trong hệ thống ATP trên mặt sân cứng.
Cùng Djokovic, Nadal cũng là 2 vận động viên tennis hiếm hoi có thể vô địch cả 4 giải Grand Slam ít nhất 2 lần mỗi giải. Hiện anh là người duy nhất giành 4 Grand Slam và 2 Huy chương Vàng Olympic.
Di sản để lại
Giã từ sự nghiệp, Rafa không chỉ để lại những danh hiệu, kỷ lục khó bị phá vỡ. Có lẽ, thứ quý giá nhất mà huyền thoại người Tây Ban Nha trao truyền cho thế hệ quần vợt mai sau chính là ý chí, nghị lực, tinh thần không bao giờ bỏ cuộc của anh. Nó sẽ là nguồn cảm hứng sống mãi cùng thời gian!
Chính những đối thủ lớn nhất như Federer, Djokovic… từng thừa nhận: “Đối đầu với Nadal trên mặt sân đất nện là ranh giới khó vượt qua nhất trong thế giới quần vợt”. Quả thật, ngoài tài năng thì ý chí và tinh thần không bỏ cuộc chính là thứ đã làm nên thương hiệu của “Vua đất nện” Rafa.
Người hâm mộ đã quá quen với hình ảnh Nadal luôn chơi với tinh thần quyết tâm đến cùng, dù cho đó là khi anh đang bị dẫn trước hay tiến gần đến chiến thắng.
Họ không bao giờ quên được những trận đấu kinh điển, giành nhau từng điểm số, từng pha bóng giữa bộ 3: Federer, Nadal, Djokovic.
Không hẹn mà gặp, cả 3 từng thừa nhận chính sự cạnh tranh ấy đã giúp họ vượt qua giới hạn của bản thân để chinh phục mọi đỉnh cao, mang tới cho khán giả những trận đấu hay nhất mà lịch sử banh nỉ thế giới chưa từng xuất hiện.
Người hâm mộ có lẽ sẽ còn nhớ mãi những màn lội ngược dòng kinh điển của Rafa trong bối cảnh anh đang đứng trước ngưỡng cửa thất bại. Như khi anh giành chiến thắng trước Medvedev ở chung kết Australia Open năm 2022; đó là những trận đấu mà Rafa đã vượt qua ranh giới sinh tử để giành chiến thắng. Nó hệt như chính con đường Tennis đầy chông gai mà Rafa từng phải trải qua để bước vào ngôi đền của huyền thoại.
Những ai hâm mộ Rafa đều biết anh vốn xuất thân từ một cầu thủ bóng đá, từng tập luyện, thi đấu và ghi rất nhiều bàn thắng cho đội trẻ Barcelona. Mãi đến năm Rafa lên 12 tuổi, gia đình mới hướng anh chuyển sang tập luyện tennis, dưới sự thuyết phục và hướng dẫn của người chú Toni Nadal.
Chập chững những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp tennis, Nadal từ người thuận tay phải “bị” chú Toni ép phải chơi bằng tay trái để những cú “topspin” của Nadal có độ xoáy tốt hơn, bóng lên cao hơn và có thể dễ dàng chiếm ưu thế trên mặt sân đất nện, khắc chế những tay vợt chơi trái tay sau này.
Dù đã vô địch Pháp mở rộng ngay lần đầu tham dự khi chỉ mới 19 tuổi nhưng con đường vào ngôi đền những huyền thoại của Rafa không hề dễ dàng khi anh luôn phải đối đầu với chấn thương. Thống kê chỉ ra rằng, từ năm 2004 đến nay, Rafa có tới 12 lần chấn thương nặng, phải rút lui khỏi rất nhiều giải đấu lớn.
Chứng kiến lối đánh tốn thể lực của Nadal, nhiều chuyên gia từng dự đoán anh khó lòng thi đấu đỉnh cao qua tuổi 30. Nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, Rafa đã thi đấu tới năm 38 tuổi. Anh đã tự mình bước qua nghịch cảnh để ghi danh vào ngôi đền thiêng của làng banh nỉ thế giới với tư cách là một trong 3 tay vợt vĩ đại nhất trong kỷ nguyên mở.
Cảm ơn Rafa, với tất cả những gì anh đã mang đến cho thế giới tennis!
Ngoài 92 danh hiệu lớn nhỏ, 209 tuần giữ vị trí số 1 thế giới, Nadal còn giành được 134,9 triệu USD tiền thưởng từ thành tích thi đấu. Anh chính là tay vợt kiếm được nhiều tiền thưởng thứ 2 trong lịch sử tennis chỉ sau Novak Djokovic (181 triệu USD).