Giáo Dục

Sự học ở bản ‘tận cùng’ vùng biên xứ Thanh

Sự học ở bản ‘tận cùng’ vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ – Tà Cóm (xã Trung Lý) được người ta ví là bản ‘tận cùng’ của huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa).

Thầy Sùng A Chai dạy học sinh lớp 1 đánh vần.
Thầy Sùng A Chai dạy học sinh lớp 1 đánh vần.

Tà Cóm xa ngái

Đến được với Tà Cóm không dễ dàng gì, bởi “đi qua vướng núi, trở lại mắc sông”. Giao thông đi lại khó khăn khiến người ta cảm thấy Tà Cóm xa vời vợi. Từ trung tâm huyện Mường Lát đến đây, nếu không muốn phải qua sông, mà đi đường chính, thì cung đường ấy dài gần trăm cây số, đầy gian nan, trắc trở.

Có 3 con đường để đến với Tà Cóm. Một là từ trung tâm xã Trung Lý đi theo Quốc lộ 15C xuống bản Pá Quăn (Trung Lý) rồi vào các bản: Co Cài, Cá Giáng, Cánh Cộng đến Tà Cóm. Lối đi thứ hai là từ trung tâm xã đi theo Quốc lộ 16 đến cầu Xa Lao, men theo triền sông Mã (bên hữu ngạn) qua các bản: Suối Hộc, Pa Búa, Lìn, Co Cài, Cá Giáng, Cánh Cộng rồi tới Tà Cóm.

Cung đường này, chỉ có mùa khô, người dân có việc cần thiết thì mới đi. Còn con đường thứ 3, là chạy từ trung tâm xã theo Quốc lộ 16, qua cầu Chiềng Nưa về bản Mau (xã Mường Lý), xuống đò vượt sông Mã. Đây là con đường thuận lợi nhất nếu trời không mưa, nước sông Mã yên bình.

Trở lại Tà Cóm lần này, tôi chọn lối xuống đò vượt sông Mã từ phía bản Mau, xã Mường Lý. Mùa này, sau đợt mưa lũ hồi tháng 9 vừa qua, nước sông Mã dâng cao hơn, nhưng vẫn khá bình lặng, bởi đoạn này là vùng ngập lòng hồ Thủy điện Trung Sơn.

Dừng xe ở nhà văn hóa bản Mau, tôi được chàng thanh niên Sùng A Chống đi đò từ bên Tà Cóm sang đón bằng xe máy. Dù ngồi sau chàng thanh niên vạm vỡ, nhưng đôi khi tôi vẫn “thót tim” vì lối xuống bến đò vô cùng hiểm trở.

Con đò sắt gắn động cơ nhả khói đèn xì vượt sông Mã khi trên khoang có vài chiếc xe máy lẫn người. Chỉ chừng dăm phút đồng hồ, đò đã chạm bờ sông phía bên kia. Chúng tôi lại len lỏi men theo lối đi ngoằn ngoèo, trơn trượt dưới những tán cây rừng đầy hiểm trở để lên trung tâm bản Tà Cóm. Sùng A Chống bảo rằng, vào ngày trời nắng thì chạy xe máy dễ hơn. Nếu gặp trời mưa, mà người nào có việc thật khẩn thiết muốn qua sông, thì chỉ còn cách đi bộ.

Gặp chúng tôi, anh Thào A Sự – Trưởng bản Tà Cóm thông tin, ở bản này hiện có 112 hộ, nhưng mới chỉ được 10 hộ thoát nghèo. Số còn lại là hộ nghèo và cận nghèo, trong đó hộ nghèo chiếm tới hơn 60%. Mãi đến gần cuối năm ngoái, bản Tà Cóm mới có điện lưới quốc gia.

Mặc dù, cũng đã có rất nhiều chương trình chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, như: 134, 135, 30a… nhằm giúp đỡ đồng bào Mông ở đây thoát nghèo, nhưng vì đường giao thông chưa thuận tiện, điện lưới quốc gia cũng mới vừa về đến bản… nên đã khiến mọi thứ ở bản chưa phát triển được.

su-hoc-o-ban-tan-cung-vung-bien-xu-thanh-3-4869-8520.jpg
Thầy giáo Sùng A Nụ vượt sông Mã đến trường.

Điểm trường vang tiếng ê… a

Ở điểm trường Tà Cóm, có 4 thầy giáo, trong đó 3 thầy ở nơi khác đến cắm bản, giáo viên còn lại là người bản địa. Tiếng đánh vần đồng thanh của học sinh lớp 1 đang vang lên đều đều ở phía trong phòng học.

Thầy Hà Văn Hơn – Trưởng khu Tà Cóm, Trường Tiểu học Trung Lý 2 cho biết, ở điểm này có 91 học sinh, trong đó, khối 1 có 30 em; khối 2 có 14 em; khối 3 là 14 em; khối 4 có 12 em và khối 5 là 21 học sinh.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, thầy Hơn cho hay, mặc dù điểm trường hiện tại đã được kiên cố hóa, có điện lưới quốc gia… nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày lẫn việc dạy và học của thầy, trò.

“Khó khăn nhất là đường đi, lối lại để học sinh đến trường hằng ngày. Nhiều em nhà ở xa điểm trường 4 – 5 km đường rừng, phải qua nhiều con suối. Trong khi đó, điểm trường chưa tổ chức bán trú được, nên phụ huynh phải đưa con đến lớp trong buổi sáng, đón về lúc giữa trưa”, thầy Hơn cho hay.

Cũng theo thầy Hơn, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện đi lại… thì vấn đề bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn. Thầy giáo và học sinh giao tiếp với nhau rất khó, bởi các em lên lớp chỉ nói với nhau bằng tiếng Mông. Trong khi đó, 3 thầy giáo: Hà Văn Hơn, Lê Trọng Hiếu và Vi Văn Bốn đều là người Thái. Chỉ có thầy Sùng A Chai, là người Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Tà Cóm.

Thầy Lê Trọng Hiếu tâm sự: “Học sinh ở đây rất chăm đến lớp, nhưng cũng rất khó làm quen với cách phát âm chuẩn tiếng phổ thông. Đặc biệt, đối với khối lớp 1, lớp 2 thì các thầy càng khó khăn trong cách dạy các em giao tiếp bằng tiếng phổ thông và đánh vần. Có nhiều lúc, chúng tôi phải nhờ thầy Sùng A Chai phiên dịch xem học sinh muốn nói gì với thầy giáo”.

Ở điểm trường này, do đang thiếu giáo viên, nên phải bố trí 1 lớp treo. Thầy Sùng A Chai là người đảm nhiệm giảng dạy lớp treo cả ngày vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Đặc biệt, Trường Tiểu học Trung Lý 2 chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học, nên mỗi tuần thầy, cô mới xuống điểm lẻ Tà Cóm dạy một ngày. Giáo viên dạy các bộ môn Mĩ thuật, Thể chất, Âm nhạc… cũng thực hiện như vậy.

“Biết là khó khăn, vất vả nhưng cũng không còn cách nào khác. Anh em chúng tôi ở đây luôn động viên, bảo ban nhau mỗi người cố gắng lên một chút để truyền đạt kiến thức cho học trò. Khi thời tiết thuận lợi, học sinh đến lớp còn sạch sẽ, còn những hôm trời mưa, giá rét, nhìn thấy học sinh đến trường mà thương các con lắm”, thầy Hiếu tâm sự.

Điều kiện ở điểm lẻ Mầm non Tà Cóm cũng chẳng khá hơn bên khu tiểu học. Tại khu lẻ này, Trường Mầm non Trung Lý bố trí 4 nữ giáo viên, trong đó cô Sùng Thị Ly là người Mông đảm nhiệm vị trí trưởng điểm. Ngoài ra, cô Hồ Việt Hà (huyện Quan Hóa); Lữ Thị Thiện và Hà Thị Tiệp (huyện Quan Sơn) đều không nói được tiếng dân tộc Mông.

Điểm lẻ Mầm non Tà Cóm có 54 trẻ, được tổ chức thành 3 lớp. Do chưa thể tổ chức ăn bán trú, nên hằng ngày trẻ được phụ huynh đưa đến lớp hai lần sáng, chiều. Cô giáo Sùng Thị Ly cho biết, năm học mới này, các cô Hồ Việt Hà; Lữ Thị Thiện và Hà Thị Tiệp là những giáo viên mới được UBND huyện ký tuyển dụng hồi tháng 5 vừa qua theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

“Mặc dù rất khó khăn, vất vả nhưng chị em chúng tôi đều đồng tâm hợp lực, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ và xác định việc chăm sóc trẻ thật tốt là mục tiêu cao nhất. Điều may mắn và hạnh phúc đối với chúng tôi, đó là các con ngoan, chăm chỉ đến lớp; bà con dân bản rất quý mến các cô giáo. Không những thế, mặc dù ở bản xa xôi, heo hút nhưng các cô luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ xã đến huyện”, cô Ly chia sẻ.

su-hoc-o-ban-tan-cung-vung-bien-xu-thanh-1-9293-1513.jpg
Giáo viên làm phẳng đường vào điểm trường Tà Cóm cho học sinh đi lại dễ dàng hơn.

Những người thầy đầu tiên

Hôm ấy, cùng đi với chúng tôi có thầy giáo Sùng A Nụ, là người con của bản Tà Cóm. Ở Tà Cóm hiện nay ngoài thầy Nụ còn có thầy Sùng A Chai. Thầy Nụ đang là giáo viên dạy Toán ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Mường Lý.

Tháng 10/2023, thầy là giáo viên dạy Toán Trường THCS Chiềng Hoa (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) được Chủ tịch UBND huyện Mường Lát tiếp nhận về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Mường Lý.

Thầy Sùng A Nụ bảo rằng, gia đình vốn dĩ nghèo lắm, bố mẹ lại sinh nhiều con (6 người). “Ngày trước, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, vất vả. Vì thế, khi được bố mẹ lo cho ăn học hết lớp 12, tôi quyết tâm phải thi đại học để thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Mình phải học, thì mới có cơ hội đổi đời và mang kiến thức về truyền dạy cho các em nhỏ ở quê hương”, thầy Sùng A Nụ tâm sự.

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm (Trường Đại học Vinh), Sùng A Nụ xin vào dạy hợp đồng ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Trung Lý. Sau đó, lên Sơn La dự tuyển viên chức và trúng tuyển rồi dạy ở trên đó đến tháng 10/2023, rồi trở về quê hương. Năm nay, thầy Sùng A Nụ 33 tuổi, có vợ và 2 con. Năm 2021, gia đình thầy thuộc diện hộ nghèo, nên được Bộ Công an hỗ trợ một căn nhà ở, giá trị 50 triệu đồng.

Ông Ngân Văn Lon – Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết, trong số 15 bản của xã, thì Tà Cóm là nơi xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất. Mặc dù vậy, những năm qua, Tà Cóm được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ưu tiên các chế độ, chính sách… nên người dân nơi đây đã chú ý đến việc học hành của con cái.

Số lượng trẻ ra mẫu giáo ngày càng nhiều. Số học sinh các cấp học của Tà Cóm thuộc diện đông nhất, nhì so với các bản người Mông (11 bản) ở địa phương. Trong đó, cấp tiểu học có gần trăm em, cấp THCS có 51 em và THPT có 4 học sinh.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Trung Lý, dù điều kiện kinh tế ở Tà Cóm còn nhiều khó khăn, hệ thống giao thông chưa thuận tiện, cuộc sống của người dân đang vất vả… nhưng không vì thế mà bà con không quan tâm đến việc học hành của con cái. “Nếu so với một số bản đồng bào Mông trong xã và cả huyện Mường Lát, thì Tà Cóm giờ đây đã có nhiều chàng trai, cô gái học lên đến THPT, cao đẳng, đại học.

Đã có người trở thành thầy giáo, đang hằng ngày mang tri thức của mình về trao truyền cho lớp trẻ ở địa phương. Qua thực tế cho thấy, việc học tập của con em người dân ở Tà Cóm đang ngày càng được nâng lên”, ông Ngân Văn Lon tâm sự.

Mường Lát là địa phương có nhiều bản người Mông sinh sống nhất tỉnh Thanh Hóa. Nhiều bản cũng đang rất khó khăn, vất vả. Riêng Tà Cóm có địa hình phức tạp, cách xa trung tâm huyện, trung tâm xã. Điều đáng mừng là việc học tập của các cháu trong bản đang ngày càng được người dân quan tâm, nên sự nghiệp Giáo dục ở Tà Cóm đang ngày càng tốt lên. Ông Mai Xuân Giang (Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát)

Breaking News

Breaking News - Daily news updates on social issues, sports, law, technology, youth, education. Updates on storms, floods, natural disasters and hot social issues. View more: Breaking News Economy | Breaking News Technology | Breaking News Stock | Breaking News Education | Breaking News Real Estate

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button