Tiêm kích tàng hình J-35 Trung Quốc gây chú ý vì xả khói đen
Video đăng trên mạng xã hội Trung Quốc tuần này cho thấy tiêm kích tàng hình J-35 bay thử nghiệm trước thềm khai mạc triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải. Chiếc J-35 bay bằng qua khán đài, trước khi xả khói đen trong lúc ngóc mũi lấy độ cao.
Hình ảnh làm dấy lên hoài nghi về năng lực tàng hình của dòng J-35 Trung Quốc, do luồng khói đen dày đặc từ cửa xả động cơ có thể làm máy bay dễ bị đối phương phát hiện hơn, khiến các công nghệ tàng hình tiên tiến trở nên vô nghĩa.
Một tài khoản mạng xã hội Trung Quốc nhận định video trên cho thấy công nghệ động cơ phản lực cho tiêm kích nước này vẫn “tụt hậu rất xa” so với Mỹ.
Hiện chưa rõ chiếc J-35 xả khói đen được trang bị động cơ gì. Truyền thông Trung Quốc cho biết có 3 tiêm kích J-35A được mang đến triển lãm Chu Hải, trong đó hai máy bay sử dụng động cơ WS-21, chiếc còn lại được lắp dòng WS-19.
Các nguyên mẫu đầu tiên của J-35 được lắp động cơ RD-93 do Nga chế tạo. Đây là bản nâng cấp của động cơ Klimov RD-33 trên chiến đấu cơ MiG-29, vốn có nhược điểm xả nhiều khói đen, được Nga xuất khẩu sang Trung Quốc để trang bị cho tiêm kích đa năng FC-1/JF-17.
Mẫu J-35 sản xuất hàng dường như sẽ dùng động cơ nội địa WS-13 được Trung Quốc phát triển. Theo Global Security, phần lớn thiết kế và linh kiện của WS-13 được lấy từ dòng RD-93, nhà sản xuất Trung Quốc chỉ áp dụng một số chỉnh sửa nhỏ.
Hình ảnh được công bố hồi năm 2022 cho thấy ít nhất một nguyên mẫu J-35 mang động cơ WS-21, biến thể cải tiến sâu từ dòng WS-13.
Trong khi đó, Reuters cho rằng tiêm kích J-35 có khả năng được lắp động cơ WS-19 với hiệu suất cao hơn 10% so với WS-13. Hai mẫu động cơ có kích thước và hình dáng tương đồng, nhưng WS-19 là thiết kế hoàn toàn mới và ứng dụng nhiều công nghệ từ dòng WS-15 của tiêm kích tàng hình J-20.
Trang tin quân sự Ấn Độ India Defence Research Wing cho rằng khói đen xuất hiện do động cơ không đốt cháy toàn bộ nhiên liệu khi đột ngột thay đổi lực đẩy khi bay. “Đây là hiện tượng bình thường với động cơ tua-bin phản lực, không phải dấu hiệu cho thấy động cơ có vấn đề”, trang tin này cho hay.
Dù là một trong những tâm điểm của triển lãm Chu Hải, phần lớn thông số kỹ thuật của tiêm kích J-35 vẫn là ẩn số.
“Các dự án quân sự của Trung Quốc được có độ bảo mật rất cao, giống như giấu trong một chiếc hộp đen. Điều đó khiến chúng ta không thể kết luận chắc chắn về năng lực thật sự của J-35”, Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho biết.
Tuy nhiên, các bức ảnh chụp J-35A tại triển lãm Chu Hải đã tiết lộ thêm nhiều chi tiết về nó. Mẫu tiêm kích này có vẻ ngoài tương đồng dòng F-35 Mỹ, song không phải thiết kế sao chép vì vẫn có những sự khác biệt lớn, nổi bật là J-35A có hai động cơ tua-bin phản lực còn F-35 chỉ có một.
J-35A cũng thanh mảnh và gọn gàng hơn so với F-35, dường như do được tối ưu cho hoạt động cất hạ cánh trên đường băng thông thường, không phải dùng chung thiết kế với các biến thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) hoặc tiêm kích hạm như phi cơ Mỹ.
Phạm Giang (Theo IDRW, Reuters, TWZ)