Triều Tiên ra mắt chiến hạm lớn nhất lịch sử đất nước
Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) ngày 30/12 công bố loạt ảnh lãnh đạo Kim Jong-un thị sát xưởng đóng tàu Nampo và kiểm tra một chiến hạm đang hoàn thiện trên ụ khô.
Hình ảnh chiến hạm này từng xuất hiện trong triển lãm quốc phòng của Triều Tiên hồi tháng 11, song chỉ cho thấy phần mũi tàu và tiết lộ rất ít chi tiết. Truyền thông nhà nước Triều Tiên hồi tháng 9 cũng công bố ảnh ông Kim đang thị sát chiến hạm, nhưng bức ảnh bị cắt cúp và cũng không tiết lộ nhiều thông tin.
KCTV không cho biết loạt ảnh mới được chụp khi nào, song một số đó dường như được chụp trong chuyến thăm của lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 9.
Thượng tầng chiến hạm có dạng nghiêng và nhiều góc cạnh, phủ kín những khu vực bên trong và liền mạch với thân tàu, cho thấy nó ứng dụng thiết kế tàng hình và giảm diện tích phản xạ radar.
Loạt ảnh mới cũng cho thấy không gian lớn ở ngay phía trước thượng tầng, được cho là nơi đặt bệ phóng thẳng đứng (VLS).
“VLS chưa được lắp đặt, song khoảng trống này phù hợp với thiết kế bệ phóng thẳng đứng. Điều này cũng nhất quán với xu hướng lắp đặt vũ khí trên các tàu chiến hiện đại”, cây bút Thomas Newdick viết trên trang quân sự War Zone của Mỹ.
Nếu được lắp VLS, con tàu sẽ có thể khai hỏa nhiều loại đạn khác nhau, trong đó có tên lửa diệt hạm và phòng không. Một lựa chọn khác là tên lửa hành trình tấn công mục tiêu mặt đất, vốn được Triều Tiên tập trung phát triển và một số dòng được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
“VLS sẽ giúp tàu chiến Triều Tiên mang được nhiều tên lửa hơn hẳn so với các chiến hạm trong biên chế hiện nay, cũng như cho phép triển khai nhiều loại vũ khí trên một loại bệ phóng thống nhất”, Newdick nhận định.
Joseph Dempsey, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận định tàu có chiều dài 100 m và rộng khoảng 15 mét, lớn hơn đáng kể so với các tàu hộ vệ lớn nhất mà Triều Tiên chế tạo trong hàng thập kỷ qua. “Có thể coi đây là khu trục hạm”, ông nói.
Trong khi đó, Newdick cho rằng tàu chiến mới của Triều Tiên vẫn là hộ vệ hạm, bởi chiều dài và lượng giãn nước thua kém nhiều so với các tàu khu trục hiện đại.
Tờ Korea Joongang Daily của Hàn Quốc ước tính chiến hạm Triều Tiên có lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn.
Các khoảng trống lớn ở hai bên thượng tầng có khả năng là vị trí lắp ăng-ten cho radar mảng pha quét điện tử, tương tự nhiều mẫu chiến hạm hiện đại. “Kết hợp radar mảng pha và VLS cho thấy nó có thể phụ trách lập ô phòng không trên biển, lấp đầy khoảng trống lâu nay trong hạm đội Triều Tiên”, Newdick nói.
Ngoài mẫu tàu mới, Triều Tiên cũng đang phát triển một số chiến hạm mặt nước khác, trong đó có tàu săn ngầm cỡ nhỏ và tàu tên lửa. Bình Nhưỡng cũng được cho là đang chế tạo khí tài hoạt động trong lòng biển, trong đó có mẫu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên.
Phạm Giang (Theo War Zone, Korea JoongAng Daily)