Lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh TPHCM: Nhiều ý kiến trái chiều
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh TPHCM: Nhiều ý kiến trái chiều
GD&TĐ – Tại TPHCM, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh được ban hành từ đầu năm học 2024 – 2025, phù hợp với lịch nghỉ Tết của người lao động.
Trẻ Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TPHCM) gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: NTCC |
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến mong học sinh được nghỉ dài ngày hơn, đặc biệt với những phụ huynh quê xa muốn đưa con về dịp Tết.
Người mừng, người lo
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024 – 2025 được UBND TPHCM ban hành từ đầu năm học, học sinh TPHCM dự kiến nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 từ ngày 25/1/2025 đến hết ngày 2/2/2025 (tức 26 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng). Như vậy, trong dịp Tết năm nay, học sinh TPHCM được nghỉ 9 ngày.
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 cho học sinh từ 23/1/2025 đến hết 2/2/2025 (tức 24 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng). Nếu đề xuất được UBND thành phố phê duyệt, học sinh TPHCM sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 là 11 ngày. Đề xuất này nhận được ủng hộ của đông đảo phụ huynh.
Quê ở Nghệ An, chị Nguyễn Thị Quyên hiện trú tại quận Gò Vấp cho rằng, Tết Nguyên đán luôn là kỳ nghỉ đặc biệt nhất trong năm của người Việt.
“Tôi mong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của trẻ dài hơn 9 ngày bởi TPHCM là địa phương có tỷ lệ người dân nhập cư cao. Ai xa quê hương cũng muốn có thêm ngày để về đoàn tụ với gia đình. Nếu nghỉ Tết quá ngắn, áp lực tàu xe đi lại căng thẳng. Giá vé tàu xe, máy bay dịp này tăng vọt, gây khó khăn cho người có thu nhập trung bình”, chị Quyên chia sẻ.
Mặc dù, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 của trẻ ngắn hơn mọi năm nhưng anh Nguyễn Văn Quyết, trú tại TP Thủ Đức vẫn quyết định sắp xếp để cả nhà về quê vì các mùa Tết năm trước đã ở lại TPHCM. Từ TPHCM về Hà Tĩnh vào những ngày cận Tết, giá vé tàu xe rất cao, lại khó mua. Do đó, để tiết kiệm chi phí, vợ chồng anh dự định sẽ xin cho 2 con đang học tiểu học nghỉ sớm hơn so với lịch nghỉ của trường 3 ngày để về quê cùng người quen, vợ chồng anh sẽ về sau.
“Chúng tôi sống xa quê, ở nhà còn bố mẹ nên gia đình quyết định cho các con về ăn Tết với ông bà nội. Hai năm rồi, tôi mới có dịp về quê nên sẽ tranh thủ ở lại nhiều ngày hơn. Nếu các con được nghỉ dài như mọi năm thì hay biết mấy”, anh Quyết chia sẻ.
Ngược lại với quan điểm trên, anh Nguyễn Ngọc Hiếu, trú tại TP Thủ Đức cho rằng: “Lịch nghỉ Tết của học sinh trùng với lịch nghỉ Tết của người lao động là phù hợp. Nếu học sinh nghỉ dài hơn sẽ gây khó cho phụ huynh trong việc thu xếp đi làm. Bên cạnh đó, nếu người lao động nghỉ Tết dài ngày quá cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, mỗi người nên tự thu xếp hoàn cảnh riêng của mình vì cái chung”.
Có nên cố định lịch nghỉ Tết?
Nhiều ý kiến cho rằng, năm nào cũng có Tết Nguyên đán, vậy tại sao không cố định lịch nghỉ Tết hằng năm cho học sinh để cha mẹ học sinh dễ lên kế hoạch cho kỳ nghỉ. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng trú tại Quận 8 bày tỏ: “Hiện là tháng 11 âm lịch, nhiều người ở quê xa như tôi thường phải đặt vé máy bay trước đó mấy tháng. Giờ nếu lịch nghỉ thay đổi, muốn ở lại thêm lại phải đổi lịch trình ngày giờ di chuyển. Như vậy cả gia đình phải tốn thêm số tiền không nhỏ”.
Ở góc độ giáo viên, cô Phan Thị Hải Y. – một trường THCS tại Quận 12 cho rằng, cần cố định số ngày nghỉ Tết Nguyên đán với học sinh. Thời gian nghỉ có thể là 2 tuần (14 ngày). Điều này sẽ làm giãn áp lực cho giao thông, đi lại cho phụ huynh, tiếp cận với cách tổ chức năm học của nhiều nước trên thế giới.
“Với học sinh, thời lượng học được cụ thể hóa trong nhiều văn bản của ngành Giáo dục, vậy nên với 35 tuần thực học không gây khó khăn cho việc điều chỉnh ngày nghỉ. Đặc biệt, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài hơn có ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên, viên chức giáo dục tại các thành phố lớn như TPHCM bởi số học sinh đông, người dân từ nhiều tỉnh đến sinh sống. Việc cho nghỉ nhiều ngày sẽ có lợi ích như: Giảm áp lực giao thông, giảm chi phí đi lại cho nhóm này, tạo thời gian tái tạo năng lượng, kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch…”, cô Y. chia sẻ.
Phó hiệu trưởng một trường THPT tại quận Bình Tân đồng tình với quan điểm cho học sinh nghỉ Tết dài ngày có thể 14 – 16 ngày, tuy nhiên không nên cố định số ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Theo đó, các năm khác nhau có thể có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Việc linh hoạt số ngày nghỉ giúp Chính phủ điều chỉnh phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
“Tết Nguyên đán là dịp người dân di chuyển rất nhiều để đoàn tụ gia đình. Nếu cố định số ngày nghỉ, những năm có lịch Tết rơi vào giữa tuần sẽ khiến thời gian đi lại bị hạn chế, gây áp lực lên hệ thống giao thông. Việc điều chỉnh linh hoạt số ngày nghỉ giúp khuyến khích các hoạt động du lịch và tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế địa phương trong thời gian nghỉ lễ”, vị này cho hay.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, những năm trước, ngày bắt đầu kỳ nghỉ Tết rơi vào thứ Hai hoặc cũng có năm mùng 6 Tết vào giữa tuần nên Sở kết hợp các ngày nghỉ cuối tuần để kéo dài thời gian. Tuy nhiên, năm nay mùng 6 Tết bắt đầu vào thứ Hai rất khó để nghỉ thêm một tuần. Hơn nữa, nếu cho học sinh đi học giữa tuần cũng khó, kiến thức không trọn vẹn do bị đứt quãng.
Mặt khác, từ ngày 5/9/2024 đến 31/5/2025 có 268 ngày với 38 tuần, trong đó 35 tuần thực dạy, 2 tuần dự phòng cho các hoạt động khác như: Nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Dương lịch, lễ 30/4 và 1/5 và một tuần nghỉ Tết. Nếu cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần sẽ không đủ thời gian cho kế hoạch còn lại của năm học.