Gieo ước mơ tri thức Làng Mảnh
Gieo ước mơ tri thức Làng Mảnh
GD&TĐ – Sùng Đô là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện Văn Chấn. Làng Mảnh là thôn xa nhất, khó khăn nhất của Sùng Đô.
Cô Sộng Me Chung bên những em học sinh Làng Mảnh. Ảnh: Đức Hạnh |
Hai cô giáo ở điểm trường Mầm non Làng Mảnh (thuộc Trường Mầm non Sùng Đô, Văn Chấn, Yên Bái) đều rất trẻ nhưng tự nguyện xung phong lên điểm trường khó khăn. Họ để lại con thơ nhờ gia đình chăm sóc, vượt đường “độc đạo” mong muốn những đứa trẻ Làng Mảnh học được con chữ, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vượt “độc đạo” đến trường
Sùng Đô là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện Văn Chấn. Làng Mảnh là thôn xa nhất, khó khăn nhất của Sùng Đô. Ngày trước, Làng Mảnh như một thế giới riêng, cách biệt với bên ngoài, không ít người nhiều năm liền chưa ra đến trung tâm xã…
Để những thế hệ sau của Làng Mảnh có thể băng qua “độc đạo” xuống núi thay đổi cuộc sống, nhiều thầy, cô giáo đã không quản gian nan đến nơi đây “gieo” chữ. Trong số đó, có cô Sộng Me Chung (SN 1996) và cô Triệu Mai Anh (SN 1998) xung phong lên Làng Mảnh. Để có thể đến được điểm trường, họ phải vượt quãng đường khoảng 50 km, trong đó có tới gần 20 km có độ dốc cao, nhiều khe suối.
Đầu tháng 9/2024, khi đến điểm trường để huy động phụ huynh lao động đầu năm, các cô bị ngã sõng soài trên đường. “Xe bị đất lầy bám chặt, hai chị em chỉ biết ngồi đợi một lúc lâu người dân đi qua dựng xe lên, mới đi tiếp được”, cô Chung nói.
Cô giáo Mai Anh nhớ lại: “Chị Chung tay lái khỏe hơn nên em nhờ chị ấy đèo đi. Nhưng đường xấu quá cho nên hai chị em đều ngã. Sau cơn bão số 3 (Yagi), con đường đã hiểm trở lại nguy hiểm hơn với những điểm sạt lở. Người dân mở đường để chúng tôi có thể di chuyển.
Chúng tôi cũng bảo nhau, nếu có ngã, cố gắng ngã về phía mép đường bên phải vì phía kia là vực, rất nguy hiểm. Có hôm, cả ban lãnh đạo xã Sùng Đô phải đưa hai chúng tôi vượt qua đoạn đường đó để đến được điểm trường. Sau, chúng tôi dần quen với đoạn đường dốc thẳng đứng ấy, nhưng mỗi khi qua rồi mới thở phào nhẹ nhõm”.
“Hứng sóng” điện thoại
“Tôi có hai con nhỏ, sinh năm 2020 và 2022. Trước khi đi nhận nhiệm vụ, tôi phải làm công tác tư tưởng, tập cho các cháu sống quen dần với việc thiếu mẹ, và nhờ ông bà chăm sóc. May mắn, cả gia đình chồng đều ủng hộ. Chồng tôi luôn động viên yên tâm công tác. Tôi thường có thói quen ôm con ngủ, nên về đêm hay nhớ các con và chỉ biết khóc”, cô Chung chia sẻ.
Mặc dù làm công tác tư tưởng cho mọi người, nhưng đêm đầu tiên ở điểm trường mới chính Sộng Me Chung lại thao thức, không ngủ nổi vì nhớ thương con.
“Chị ấy không ngủ được vì lo cho hai con ở nhà. Khi đó là hơn 2 giờ đêm, trời lại mưa to và sấm chớp. Tôi phải động viên, nhưng mãi tới gần sáng chị Chung mới ngủ được…”, cô Mai Anh nói và chia sẻ thêm về bản thân:
“Tôi may mắn vì có mẹ cũng là giáo viên cắm bản nhiều năm, cũng đang dạy học tại Trường Tiểu học và THCS bán trú Sùng Đô. Mẹ cũng chia sẻ, động viên và khuyến khích tôi rất nhiều. Hơn nữa, tôi cũng được chồng tạo động lực, chuẩn bị tâm lý. Nhưng thực ra chúng tôi vẫn lo vì sợ mọi người ở nhà không yên tâm, và bản thân chúng tôi cũng không yên tâm vì con còn nhỏ”.
Ở Làng Mảnh không có sóng điện thoại, không có mạng Internet. Hàng đêm, sau những giờ lên lớp, hai cô giáo lại khoác ba lô, mang máy tính và điện thoại, soi đèn pin đi bộ gần 1 km leo đồi để… “hứng sóng”.
“Không khí ở Làng Mảnh khác dưới trung tâm xã. Về đêm, làng rất lạnh. Do đặc thù, chúng tôi phải soạn giáo án và cũng mong nhớ con nên dù đường leo lên đồi vào ban đêm có nguy hiểm, nhưng không sợ bằng không có sóng, có mạng để gọi về cho gia đình.
Chúng tôi treo điện thoại lên những điểm cao nhất của trường nhưng không bắt được sóng. Đêm đêm, mỗi khi xong việc ở trường, chúng tôi lại lên đồi để bắt sóng, xem nhà trường, ban lãnh đạo có chỉ đạo gì hay không để thực hiện. Cũng muốn thăm nắm tình hình ở nhà, và để mọi người yên tâm”, cô Chung chia sẻ.
Điểm đồi tuy cao, nhưng sóng lúc bắt được, lúc không. Các cô có khi phải đợi đến 30 phút mới có sóng để gọi về nói chuyện với gia đình trong vài phút. Những phút giây ít ỏi đó đã giúp các cô vơi nỗi nhớ gia đình, nhớ con.
Gieo những ước mơ
“Việc tăng cường Tiếng Việt cho học sinh rất khó khăn. Dù em cũng là người Mông, nhưng nhiều khi nói các em cũng không hiểu. Có hôm các cô hỏi: “Con tên gì?” thì nhận được câu nhắc lại như thế, các em không biết cô hỏi điều gì”, cô Chung nói về các em học sinh ở điểm trường Mầm non Làng Mảnh.
Ở Làng Mảnh, trẻ chỉ được nói tiếng phổ thông khi ở trường, về nhà các em lại nói tiếng dân tộc mình. Vì đó mà công tác giảng dạy của các cô gặp muôn vàn khó khăn.
“Làng Mảnh tách biệt với trung tâm xã, đường không thuận tiện nên điều kiện kinh tế khó khăn. Cả thôn chỉ có một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Do vậy, mọi người chỉ tự cung, tự cấp.
Nhưng phụ huynh rất tình cảm, họ nói rằng thịt thì không có để cung cấp cho các cô, nhưng rau, củi thiếu thì cứ lên nhà anh/chị lấy. Ở gần trường có bà cụ cũng lớn tuổi, con bà xuống thị xã chữa bệnh. Dù nghèo khó nhưng bà vẫn nấu bát canh lá đu đủ với ớt mang lên cho chúng tôi. Chúng tôi rất trân trọng, cảm thấy gần gũi như gia đình”, cô Mai Anh kể.
Vì giao thông ở Làng Mảnh khó khăn, các cô không thể tổ chức nấu ăn cho học sinh. Các em mang cơm cặp lồng do cha mẹ chuẩn bị để ăn trưa. Chính vì vậy, các cô phải tuyên truyền cho cha mẹ học sinh việc Nhà nước hỗ trợ tiền, phụ huynh nên dùng để cho các con ăn uống đủ chất, nấu cơm có cả thịt, rau.
“Ở đây, đa phần điều kiện sống khó khăn, nhưng cũng nhận thức được việc cho các con ăn đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên đôi khi gặp giáp hạt, thiên tai, bữa ăn, trang phục của các em còn quá sơ sài”, cô Chung chia sẻ, “Mỗi khi có các đoàn thiện nguyện lên trao quần áo mới, giày dép mới các con vui, các cô cũng rất hạnh phúc”.
Ở Làng Mảnh, cái đầy ắp là tình người. Đây là sợi dây gắn kết giáo viên với vùng đất… thiếu đủ thứ. Họ lặng lẽ dạy học, lặng lẽ hy sinh những mong giúp thế hệ trẻ vùng đất này dựng xây ước mơ vượt qua những vách núi sừng sững vây quanh làng.
“Cô Triệu Mai Anh và Sộng Me Chung đều là những giáo viên trẻ rất tâm huyết, yêu nghề. Các cô đã khắc phục khó khăn, xa gia đình, con nhỏ để xung phong đến điểm trường xa nhất, khó đi nhất và không có sóng điện thoại, Internet… mà không hề nề hà”. Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn, Yên Bái